VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023

03/06/2023 20:32

Chiều 3/6 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 để thông tin về tình hình KTXH tháng 5 và 5 tháng đầu năm cùng một số vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì họp báo.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cung cấp thông tin với báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 - Ảnh: VGP/Quang Thương

Buổi họp báo diễn ra ngau sau phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày. Thông tin về phiên họp này, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết:

Ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2023 nhằm đánh giá, thảo luận về: tình hình KTXH tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) và một số nội dung quan trọng khác. Sau khi kết thúc Hội nghị BCH Trung ương giữa nhiệm kỳ, Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV và kết quả 26 Đoàn công tác của các Thành viên Chính phủ đặt ra nhiều nhiệm vụ, công việc quan trọng, Thường trực Chính phủ đã quyết định Phiên họp kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bàn các giải pháp, nhất là tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Phiên họp diễn ra trong bối cảnh việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục phải ứng phó với diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới với nhiều yếu tố bất lợi. Trong đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng; xung đột Nga - Ukraine tiếp tục căng thẳng; lạm phát thế giới vẫn ở mức cao; hầu hết các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ;... Trong khi đó, nền kinh tế nước ta có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế nên chịu tác động mạnh bởi diễn biến tình hình thế giới, đưa lại khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, những khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển; xử lý những vướng mắc về mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư ty tế; tiếp tục xử lý hiệu quả những vấn đề phức tạp, tồn đọng kéo dài trong đó có xử lý các ngân hàng thương mại, dự án yếu kém...

Trong 5 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 25 Nghị định, 101 Nghị quyết, 15 quyết định quy phạm pháp luật, 618 quyết định cá biệt, 36 công điện, 17 chỉ thị. Đặc biệt, lần đầu tiên Chính phủ tổ chức 26 Đoàn công tác do các Thanh viên Chính phủ chủ trì làm việc trực tiếp với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã tiếp nhận hơn 1.000 kiến nghị, trong đó, giải quyết ngay 300 kiến nghị và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các kiến nghị còn lại.

Công tác chỉ đạo, điều hành tập trung vào 9 nhóm vấn đề: (1) Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; (2) Giảm lãi suất điều hành mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, mua lại trái phiếu doanh nghiệp; (3) Gia hạn thời hạn nộp thuế tiền thuê đất, thuê đất, giảm thuế VAT; (4) Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; (5) Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển; (6) Xử lý vướng mắc về mua sắm thuốc, trang bị vật tư y tế; (7) Tổ chức các hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế trọng điểm; (8) Tổ chức các hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch, chuyển đổi số, du lịch, ngoại giao kinh tế…; (9) Tiếp tục xử lý từng bước dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài.


Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra chiều 3/6 - Ảnh: VGP/Quang Thương

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định, trong điều kiện khó khăn do tác các động của tình hình thế giới, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng hành của Quốc hội và sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp... tình hình KT-XH nước ta trong tháng 5 tiếp tục được duy trì ổn định, chuyển biến tích cực với nhiều lĩnh vực cải thiện hơn so với tháng 4. Nổi bật là, lạm phát giữ xu hướng giảm dần qua các tháng; Tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,2% so với tháng 4 và tăng 0,1% so cùng kỳ; Sản xuất nông nghiệp ổn định, xuất khẩu 1 triệu tấn gạo, trị giá 0,53 tỷ USD, tăng 41,1% về lượng và tăng 53,1% về trị giá so với cùng kỳ;Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,5% so tháng 4 và tăng 11,5% so với cùng kỳ; Số DN rút lui khỏi thị trường giảm 22% so với tháng 4...

Tính chung 5 tháng, tình hình KTXH có nhiều điểm sáng:

- Lạm phát được kiểm soát. CPI bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.

- Thu đủ chi, thu NSNN ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán. Xuất đủ nhập, xuất siêu 9,8 tỷ USD. Làm đủ ăn, xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,1 tỷ USD, tăng 40,8% về lượng và tăng 52% về giá trị. An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

- Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất điều hành giảm 3 lần liên tiếp, lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm; tỉ giá ổn định, phù hợp với diễn biến thị trường; chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng phù hợp, chắc chắn, linh hoạt, chủ động và kịp thời.

- Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất điều hành giảm 3 lần liên tiếp, lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm; tỷ giá ổn định, phù hợp với diễn biến thị trường; chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng phù hợp, chắc chắn, linh hoạt, chủ động và kịp thời.

- Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến. Trong đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch phục hồi nhanh, có gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 12,6 lần cùng kỳ, bằng 57,5% kế hoạch năm.

- Đầu tư được thúc đẩy, giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/5 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch, tăng 41 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, qua đó đã đẩy một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, giải quyết việc làm.

- An sinh xã hội được bảo đảm. Công tác khám chữa bệnh được tích cực triển khai; Giáo dục, đào tạo được quan tâm chỉ đạo. Hoạt động kết nối cung - cầu lao động được tăng cường; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm; đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện.

- Quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực, hiệu quả, nhất là ngoại giao kinh tế.

- Thông tin truyền thông được tăng cường; tích cực đưa thông tin nhanh chóng, chính xác, tương đối đầy đủ về tình hình KTXH của đất nước và ngăn chặn, gỡ bỏ, phản bác nhiều thông tin giả, xấu, độc, phản cảm, chống phá Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn đánh giá, nước ta còn không ít tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, cần xử lý, trong đó nổi lên là: (1) Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro; (2) Lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép; (3) Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm; (4) Mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao; (5) Giá cả nguyên vật liệu đầu vào trong nông nghiệp ở mức cao, nhất là thức ăn chăn nuôi; (6) Việc triển khai một số chính sách của 3 CTMTQG, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm; (7) Tình hình lao động, việc làm gặp nhiều thách thức; (8) Rủi ro dịch bệnh, bão lũ, nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu… tiếp tục cần quan tâm; (9) Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, nhất là trong bối cảnh thời gian tới những khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn cơ hội, thuận lợi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề, cần phải nắm chắc tình hình; đặc biệt quan tâm công tác phân tích, dự báo để có phản ứng chính sách hiệu quả, kịp thời, sát thực tiễn.

Quan điểm chỉ đạo, điều hành phải nhất quán theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời phải giữ vững được sự ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả:

Cụ thể, từ kết quả thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa từ nay tới cuối năm, cần ưu tiên thc hiện hiện quả hơn nữa mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, tận dụng tốt các cơ hội và tạo không gian phát triển mới.

Tập trung  đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng. Về tiêu dùng,  đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, khai thác và phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Về đầu tư, quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, xử lý, giải quyết nhanh các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư. Về xuất nhập khẩu, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, giữ vững và củng cố các thị trường truyền thống hiện có; tận dụng tốt các FTA đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định FTA mới. 

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh. Tăng cường quản lý thu NSNN, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên.

Thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tiếp tục sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Đẩy nhanh các dự án công nghiệp có quy mô lớn, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu; mở rộng đầu ra cho sản phẩm công nghiệp. Phát triển thị trường vốn, khoa học công nghệ, lao động... an toàn, lành mạnh, bền vững, phục vụ hiệu quả cho phát triển đất nước. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị tưởng bất động sản; rà soát, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến phòng cháy chữa cháy. Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch điện VIII, xử lý dứt điểm những vấn đề tồn tại của Quy hoạch điện VII; bảo đảm không để thiếu điện.

Bảo đảm cho được vấn đề cân đối về lương thực, thực phẩm; không để xảy ra tình trạng thiếu hụt lương thực thực phẩm, giữ vững sự ổn định và phát triển của ngành nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu; khẩn trương khắc phục thẻ vàng EC về thủy sản.

Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực thực hiện; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Chú trọng tạo việc làm, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, giải quyết kịp thời, hiệu quả khó khăn cho người lao động. Giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Làm tốt công tác chuẩn bị cho năm học mới; xử lý những vấn đề tồn tại về sách giáo khoa; chú trọng phòng, chống tình trạng ma túy học đường.

Nắm chắc tình hình, không để bị động bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế.

Đẩy mạnh tuyên truyền về các nhiệm vụ, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH; tăng cường truyền thông chính sách, giải thích chính sách, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chung. Chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung hơn nữa đối với nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh;xử lý công việc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại địa phương theo thẩm quyền, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Kiên quyết xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ, đồng thời bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đặt ra yêu cầu kết quả năm sau phải tốt hơn năm trước, quý sau phải tốt hơn quý trước, Thủ tướng Chính phủ đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tăng cường đạo đức công vụ để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra, đưa đất nước phát triển trong bất cứ hoàn cảnh nào.

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.973.263