VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương về các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xuất, nhập khẩu năm 2023

19/04/2023 08:10

Ngày 18/4/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương về các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xuất, nhập khẩu năm 2023.

Thành phần tham dự Hội nghị, về phía Bộ Công Thương dự trực tiếp gồm có: Thứ trưởng Phan Thị Thắng và đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; về phía địa phương dự trực tuyến, có đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương, đại diện Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Kinh tế/Phòng Kinh tế hạ tầng của các tỉnh/thành phố và một số doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, đồng chí Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đã báo cáo tóm tắt tình hình và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu năm 2023 của khối Công Thương địa phương; phát biểu của các địa phương về một số vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước, khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đề xuất một số kiến nghị trong thẩm quyền của Bộ Công Thương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững ngành công thương tại các địa phương; đồng thời báo cáo, kiến nghị với Chính phủ các nội dung, giải pháp vượt thẩm quyền của Bộ.


 

Các kiến nghị đã được Bộ trưởng lắng nghe, giải đáp; đồng thời các Cục, Vụ chức năng của Bộ đã đề xuất những giải pháp cụ thể, thực chất để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương; một số kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu để có phương án giải quyết khả thi, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu của các địa phương, trong Quý I/2023 đã đạt được những kết quả quả đáng khích lệ, đóng góp vào phát triển chung của Ngành Công Thương.

Trong đó, có một số kết quả nổi bật như: Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, đạt kỷ lục tại nhiều quốc gia đe dọa suy thoái kinh tế toàn cầu; tác động tiêu cực từ cuộc chiến Nga - Ucraina; tình trạng đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng đang trở nên nghiêm trọng hơn ở nhiều quốc gia thì kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương là một nỗ lực lớn.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2023 vẫn duy trì xuất siêu 4,07 tỷ USD, cao gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng tiêu dùng trong nước khá ổn định, hàng hóa dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt, một số vật tư hàng hóa chiến lược (xăng dầu, điện, than) được đáp ứng đầy đủ.

Chỉ số phát triển công nghiệp, thương mại nhiều địa phương vẫn có mức tăng trưởng cao, có 48/63 địa phương đạt mức tăng trưởng dương trong quý I/2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực Công Thương địa phương còn một số hạn chế, như: Mức tăng trưởng các chỉ tiêu ngành Công Thương thấp hơn so với kế hoạch và cùng kỳ; nhiều địa phương tăng trưởng thấp (thậm chí tăng trưởng dưới 1%) do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đầu ra sản phẩm khó khăn; Ít dự án đầu tư mới được triển khai; các dự án chuyển tiếp thì chậm tiến độ…

Những hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó, các nguyên nhân khách quan chủ yếu là: Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Lạm phát còn ở mức cao, chính sách tiền tệ chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm; Cạnh tranh với các nước xuất khẩu (sau mở cửa), đặc biệt là việc Trung Quốc mở cửa trở lại, cùng một số địa bàn xuất khẩu trọng điểm nới lỏng các biện pháp hạn chế thương mại sẽ khiến hàng Việt phải cạnh tranh quyết liệt hơn ở các thị trường trọng điểm.

Về nguyên nhân chủ quan: Việc chậm công bố quy hoạch (các quy hoạch ngành Quốc gia và địa phương) dẫn đến việc không thể triển khai các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực Công Thương; Sự chồng chéo, mẫu thuẫn trong một số quy định của pháp luật hiện hành cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án; Tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu của không ít doanh nghiệp (địa phương có quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi còn thấp) gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu chính ngạch; Tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn; ảnh hưởng không nhỏ bởi tình trạng huy động trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định và thị trường bất động sản trầm lắng; hầu hết dự án đầu tư công chậm tiến độ. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại trong thực thi nhiệm vụ của nhiều cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm cũng là nguyên nhân dẫn đến sự kìm hãm tăng trưởng, phát triển; việc làm, thu nhập của người lao động hạn chế làm sức mua thấp…

Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023 - một trong những năm động lực thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng cơ bản nhất trí nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong báo cáo và ý kiến phát biểu của các địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp tại hội nghị; đồng thời, đề nghị  Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các Sở Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung như sau:

Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác quán triệt và tuyên truyền sâu rộng, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt các Nghị quyết, Chỉ thị, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các Bộ, ngành, của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để hệ thống chính trị, người dân hiểu được bối cảnh, tình hình khó khăn của nền kinh tế thế giới tác động rất nhanh đến kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn (200%), để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Thứ hai, khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của mỗi địa phương để kịp thời tích hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch thành phố làm cơ sở quan trọng cho việc triển khai các dự án lớn của địa phương, của ngành trên địa bàn.

Thứ ba, tập trung rà soát, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là những dự án lớn trên địa bàn và những dự án có vai trò tạo “cú huých” về tăng trưởng, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động địa phương. Đồng thời, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi chức trách, nhiệm của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực Công Thương. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách địa phương hoặc tiếp tục đề xuất với Trung ương để ban hành những cơ chế, chính sách tầm quốc gia để gỡ khó cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư, nhất là đầu tư dân doanh.

Thứ tư, đề nghị các địa phương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bất động sản và cắt giảm đầu tư công trên địa bàn để tạo động lực, dư địa để các ngành, các lĩnh vực liên quan phát triển (vật liệu, cơ khí chế tạo, thương mại, dịch vụ ....). Đồng thời quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Đề án xuất khẩu chính ngạch (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) để khai mở rộng và tận dụng các thị trường cho hàng hóa của địa phương, đặc biệt là các mặt hàng nông thủy sản, bởi thị trường trong nước gần như đã bão hoà, nên cần phát triển thị trường ngoài nước và phải tổ chức lại sản xuất, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể của từng thị trường gắn với việc đẩy mạnh khai thác các FTA đã ký, tạo động lực phát triển sản xuất, mang lại giá trị bền vững cho địa phương, doanh nghiệp. Bộ Công Thương sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ các địa phương để tiêu thụ hàng hoá. Ngược lại các địa phương cố gắng tuân thủ các quy định tại các thị trường này.

Thứ năm, tập trung chấn chỉnh kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành, khắc phục tâm lý e ngại trong cơ quan liên quan, có cơ chế bảo vệ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác nhiệm vụ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát uốn nắn kịp thời trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đơn giản hoá thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ trong chỉ đạo điều hành. Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các Tập đoàn thuộc lĩnh vực quản lý đề nghị căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, kiến nghị đề xuất của địa phương để tham mưu cho lãnh đạo Bộ tháo gỡ theo thẩm quyền; các vấn đề vượt thẩm quyền phải kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ có cơ chế giải quyết tổng thể, sớm nhất.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương rất chia sẻ khó khăn với các địa phương và sẵn sàng thực hiện một cách kịp thời, đầy đủ chức trách nhiệm của mình để góp phần tháo gỡ một cách thực chất những khó khăn đối với địa phương, các doanh nghiệp để bứt phá khỏi tình trạng trì trệ và khó khăn như hiện nay; lấy lại đà tăng trưởng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.



Nguồn: Moit.gov

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.102.472