Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam-Tunisia mở ra cơ hội hợp tác thương mại cho doanh nghiệp hai nước
Từ ngày 30/09 đến 04/10/2024, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Tunisia đã thực hiện chương trình công tác tại thủ đô Tunis để làm việc với các cơ quan hữu quan của nước này và phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp, Thương mại và Thủ công Tunisia (UTICA) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến kết nối doanh nghiệp hai bên. Ngày 3/10, Hội nghị giao thương trực tuyến được tổ chức với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành Tunisia và 60 doanh nghiệp hai nước.
Bà Noha DALLAGI, Tổng Thư ký Liên đoàn Dệt may, đại diện Liên đoàn Thương mại, Công nghiệp và Thủ công Tunisia đánh giá đây là cơ tốt hội để thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại song phương hai nước. Tổng Thư ký Liên đoàn Dệt may kêu gọi các doanh nghiệp hai bên tích cực tìm hiểu các mặt hàng thế mạnh của nhau để tăng cường hợp tác trên cơ sở cùng có lợi, mời doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu khả năng đầu tư, liên doanh, liên kết với đối tác Tunisia trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, công nghệ mới, nuôi cá biển… để tận dụng vị trí chiến lược, nguồn tài nguyên phong phú, cơ sở hạ tầng hiện đại, nhân công tay nghề cao và xuất khẩu sang những nước khác trong khu vực.
Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam-Tunisia tại trụ sở Liên đoàn Công nghiệp, Thương mại và Thủ công Tunisia (UTICA) - ảnh: Moit.gov.vn
Nhân dịp này, ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán Thương mại tại Algeria kiêm nhiệm Tunisia đã giới thiệu về tình hình kinh tế, thương mại Việt Nam, chính sách xuất nhập khẩu và quan hệ hai nước. Theo số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), năm 2023, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Tunisia đạt khoảng 92 triệu USD, tăng 15% so với năm 2022, trong đó Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng như cà phê thô, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, máy móc trang thiết bị, dao cạo, vải sợi, giày dép… và nhập khẩu hải sản, chà là, hóa chất, đồ nhựa, quần áo, nguyên liệu làm thức ăn gia súc…
Việt Nam và Tunisia đã ký một số văn bản quan trọng như Hiệp định thương mại (năm 1994) trong đó hai bên cam kết dành cho nhau Quy chế tối huệ quốc, Hiệp định Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật (1999), Hiệp định khung Hợp tác nông nghiệp (2002), Bản ghi nhớ về hợp tác, hỗ trợ và phát triển cộng đồng doanh nghiệp giữa Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên đoàn Công nghiệp, thương mại và thủ công mỹ nghệ Tuinisa (UTICA) (2005), Hiệp định Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và đặc biệt (2007), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn thuế (2010).
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá hợp tác thương mại giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng do doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến thị trường của nhau. Một số khó khăn cũng được doanh nghiệp nêu ra như giá một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam (cà phê, hạt tiêu) thời gian qua tăng cao, cước vận chuyển cũng tăng mạnh do xung đột ở Trung Đông ... Doanh nghiệp hai bên đã đặt câu hỏi về triển vọng thị trường, mặt hàng, chính sách thương mại, các vấn đề thuế quan, thanh toán, thủ tục xin visa, các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn … và đã được Ban tổ chức trả lời thỏa đáng. Một số đại biểu kiến nghị Chính phủ hai nước cần có chính sách tạo điều kiện cho hàng hóa mỗi bên thâm nhập thị trường của nhau thông qua đàm phán giảm thuế nhập khẩu, đề xuất ký hiệp định thương mại ưu đãi song phương và thành lập hội đồng doanh nghiệp.
Nhân dịp này, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã trưng bày catalogue, hàng mẫu của doanh nghiệp Việt Nam và mời các đại biểu tham dự trực tiếp tại trụ sở Liên đoàn Công nghiệp, Thương mại và Thủ công Tunisia thưởng thức các sản phẩm cà phê, bánh ngọt. Một số doanh nghiệp Tunisia đã tìm được đối tác để thương thảo khả năng nhập khẩu cà phê thô, gia vị, gạo, sữa bột, thuốc thú y, nguyên liệu chất dẻo, sản phẩm cơ khí, hàng tiêu dùng và xuất khẩu chà là, dầu ô liu, chân gà, hải sản… Hai bên nhất trí, để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, cần tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh của nhau, đẩy mạnh kết nối giao thương, thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn tổ chức tại mỗi nước, phối hợp xác minh, tư vấn cho doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch, vv.
Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp
-
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 03/10/2024, Cục đã nhận được thông tin về việc Cục Ngoại Thương Thái Lan (Cơ quan điều tra) đăng công báo về việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
-
Trong quý II/2024, kinh tế Úc tăng trưởng 0,2%, là quý giảm tốc thứ 6 liên tục, và dự tính giữ nguyên mức này trong quý 3/2024. Tốc độ tăng trưởng chậm phần lớn là do chi tiêu của chính phủ tiếp tục tăng (1,4% so với 1,2% trong quý 1/2024) sau khi các phúc lợi xã hội được mở rộng. Trong khi đó, chi tiêu hộ gia đình, chiếm một nửa GDP, giảm 0,2% so với mức 0,6% của quý trước đó
-
Số liệu kinh tế vĩ mô của Canada được công bố mới nhất cho thấy, nền kinh tế Canada tiếp tục tăng trưởng chậm cho dù doanh số bán lẻ đã có tín hiệu hồi phục tích cực hơn.
-
Cục Quản lý thị trường Nhà nước (Cục Quản lý Tiêu chuẩn hóa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc GB 18584-2024 về "Giới hạn các chất có hại trong đồ nội thất", các doanh nghiệp cần chú ý cập nhật để duy trì hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường này.