VITIC
Xuất nhập khẩu

Hoạt động thương mại biên giới qua các cửa khẩu biên với Trung Quốc - cơ hội và thách thức

23/04/2024 14:32

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam với Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đất liền năm 2023 đạt 42,67 tỷ USD, tăng 81,9% so với năm 2022. Như vậy so với tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc (đạt 171,8 tỷ USD) thì xuất nhập khẩu theo hình thức thương mại biên giới sang thị trường này năm 2023 chiếm 24,83%; trong đó xuất khẩu chiếm 28% (đạt 17,14 tỷ USD); nhập khẩu chiếm 23,08% tỷ trọng (đạt 25,54 tỷ USD).

Về xuất khẩu, năm 2023, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đất liền đạt mức tăng trưởng đáng kể so với năm 2022. Một số mặt hàng có trị giá xuất khẩu cao đạt mức tăng trưởng 2 con số trở lên. Trong năm 2023, trong nhóm hàng công nghiệp chế biến, xuất khẩu nhiều mặt hàng duy trì tăng trưởng cao so với năm 2022 như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 267,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 309,8%; hàng dệt may tăng 88,2%; xơ sợi dệt các loại tăng 66,4%; kim loại thường các loại và sản phẩm tăng 178%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 77,8%... Trong khi đó, 6/7 mặt hàng trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh như so với năm 2022 như: hàng rau quả, thủy sản, hạt điều, cà phê, sắn và các sản phẩm từ sắn. Trong đó, tăng mạnh nhất là rau quả, tăng tới 560,9% so với năm 2022.

Về nhập khẩu, năm 2023, nhiều mặt hàng trong nhóm hàng công nghệ chế biến mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đất liền đạt mức tăng đáng kể so với năm 2022 như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 58,1%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 44,3%; sản phẩm từ sắt thép tăng 48,9%; sản phẩm hóa chất tăng 85,6%; vải các loại tăng 69,9%; dây diện và dây cáp điện tăng 62,4%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 32,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 34,2%... Trong khi đó, rau quả là mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất trong nhóm hàng nông, thủy sản tăng 13% so với năm 2022 và chiếm 1,71% tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đất liền.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc đạt 7,94 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đất liền đạt 6,99 tỷ USD, tăng 34,9%  so với cùng kỳ năm 2023.


Ảnh minh họa: Cửa khẩu Tân Thanh - Nguồn: Báo Đầu tư

Trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc tiếp tục được dự báo tăng trưởng tốt do một số yếu tố sau:

+ Thứ nhất, trong những năm gần đây, Việt Nam đã kí các nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc như sản phẩm thủy sản, sản phẩm trái cây tươi, sản phẩm có nguồn gốc thực vật, sản phẩm có nguồn gốc động vật như tổ yến… Tính đến hết năm 2023, Việt Nam đã có 3013 mã số doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Do đó thời gian vừa qua việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tương đối thuận lợi. Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng và còn nhiều cơ hội rộng mở cho nông sản Việt Nam tăng thị phần và giá trị xuất khẩu bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa đồng ý sẽ hoàn chỉnh, bổ sung một số nội dung trong 3 Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên của Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đồng ý mở cửa thị trường và đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục nhập khẩu cho các loại trái cây của Việt Nam, trong đó có bơ và chanh leo. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm gia cầm vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác giữa các đơn vị kiểm dịch tại khu vực biên giới.

+ Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ký kết với Quảng Tây (Trung Quốc) về hợp tác nông nghiệp. Hai bên sẽ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh khu vực biên giới để tăng cường xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật thời gian tới. Đây là cơ hội mở rộng đối tượng để Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp chặt chẽ với phía Trung Quốc để hoàn thiện các thủ tục, tiến tới sớm kí kết Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, dược liệu và một số loại trái cây có thế mạnh của Việt Nam sang Trung Quốc.

+ Thứ ba, về thuế quan, Ủy ban thuế Quốc vụ viện Trung Quốc ra thông báo điều chỉnh mức thuế xuất nhập khẩu một số hàng hóa từ năm 2024. Theo đó, từ ngày 01/01/2024, Trung Quốc sẽ thực hiện mức thuế xuất nhập khẩu tạm thời thấp hơn mức thuế Tối huệ quốc (MFN) đối với 1010 loại mặt hàng, trong đó có hóa chất, kim loại, hạt giống…

Bên cạnh đó, Chính quyền Nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã chính thức phê duyệt thành lập Khu phát triển hợp tác của Khu thí điểm mậu dịch thương mại tự do Trung Quốc (Quảng Tây) tại 5 thành phố: Nam Ninh, Khâm Châu, Sùng Tả, Bắc Hải, Phòng Thành Cảng nhằm mục đích xây dựng khu vực thương mại tự do tiêu chuẩn cao và chất lượng cao, hỗ trợ mối quan hệ hợp tác cởi mở hàng đầu giữa Trung Quốc và Asean.

Trong nước, hoạt động thương mại biên giới cũng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành cũng như các địa phương:

Hệ thống văn bản pháp luật về thương mại biên giới đã được ban hành tương đối đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý ổn định cho hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập khẩu phát triển.

Các tỉnh luôn xác định phát triển kinh tế cửa khẩu là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, các chính sách về thu hút đầu tư hạ tầng cửa khẩu, hợp tác, phát triển bền vững thương mại biên giới phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Năm 2023, tiếp tục là năm thành công trong công tác đối ngoại giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trong đó, hợp tác giữa 4 tỉnh biên giới của Việt Nam (Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đều phát triển trên các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại biên giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa các tỉnh, khu vực đạt trên 9,3 tỷ USD, đóng góp tích cực vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Các Bộ, ban, ngành, lực lượng chức năng tại cửa khẩu và các đơn vị có liên quan đã tích cực, chủ động, linh hoạt phối hợp trong công tác quản lý biên giới, đảm bảo ổn định an ninh trật tự khu vực biên giới; phối hợp chặt chẽ để theo dõi, nắm bắt, trao đổi thông tin về tình hình, chính sách quản lý cửa khẩu, biên giới, chính sách và quy định xuất nhập khẩu của nước có chung đường biên giới, qua đó kịp thời xử lý, giải quyết tốt các vụ việc phát sinh, hạn chế thiệt hại cho các doanh nghiệp và tránh ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu, nhất là tại các cửa khẩu phía Bắc trong các thời điểm vụ mùa thu hoạch rộ, lễ, Tết.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, các thương nhân xuất khẩu đã từng bước đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc như các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn, ...

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc cũng tồn tại nhiều hạn chế:

Những năm gần đây, cơ quan Hải quan Trung Quốc tăng cường mức độ kiểm soát đối với một số mặt hàng xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu và cặp chợ biên giới để kiểm soát chất lượng hàng hóa đối với hàng nhập khẩu vào Trung Quốc và xuất khẩu sang các nước.

Thách thức cũng đặt ra cho doanh nghiệp khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc là phải tuân thủ các quy định về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật…

Bên cạnh đó, hiện vẫn còn sự khác biệt mô hình cửa khẩu giữa các nước có chung đường biên giới nên dẫn đến thời gian hoạt động, quy định về chính sách hàng hóa của hai bên có sự khác nhau. Ví dụ như: phía Việt Nam là cửa khẩu, lối mở (có hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động mua bán, trao đổi của cư dân biên giới), tuy nhiên phía Trung Quốc coi đây là chợ biên giới (nên chỉ có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, không có hoạt động xuất nhập khẩu).

Hạ tầng kho bãi tập kết, kiểm tra giám sát hàng hóa tại một số cửa khẩu như Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Bắc Luân II, Tân Thanh chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có hệ thống kho bãi chuyên dụng để lưu giữ hàng hóa, bảo quản theo chế độ đặc biệt như hóa chất, hàng đông lạnh. Có thời điểm lưu lượng hàng hóa, phương tiện tăng đột biến; đặc biệt khi lượng xe xuất khẩu của Trung Quốc lớn, trong khi lượng xe không hàng Trung Quốc về nước trong ngày thấp, dẫn tới lượng xe lưu tại khu vực cửa khẩu tăng.

Cơ sở hạ tầng tại một số cửa khẩu đang trong quá trình đầu tư xây dựng, chưa có nhà kiểm soát liên hợp nên khó khăn trong việc bố trí các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền và Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.

Công tác quản lý nhà nước đã phát hiện một số vụ việc có dấu hiệu gian lận mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu, nghiêm trọng hơn là việc Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm soát hoặc gián đoạn nhập khẩu trái cây từ Việt Nam.

Việc thanh toán qua các bàn đổi ngoại tệ cá nhân (CNY) tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hoạt động phức tạp như thực hiện thanh toán trước, thanh toán hộ cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu và quản lý hoạt động của các bàn đổi ngoại tệ cá nhân.

Do đó, để đảm bảo hoạt động thương mại biên giới phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần có sự thay đổi về tư duy cũng như cách thức triển khai hoạt động kinh doanh theo hướng đảm bảo chất lượng sản phẩm, nguồn gốc hàng hóa, tuân thủ các quy định của đối tác về điều kiện xuất khẩu. Về phía các cơ quan quản lý, bên cạnh việc nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý, các cơ quan thực thi cần tiếp tục duy trì các biện pháp quản lý hiệu quả tại khu vực cửa khẩu, kiên quyết đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.


 

Hồng Anh thực hiện

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.001.491