Hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần xây dựng thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam – Trung Quốc phát triển bền vững
Đại diện Bộ Công Thương, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Sở Giao dịch Hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc (DCE) trong hai ngày 6 – 7/3/2024 để hoạch định chiến lược hợp tác phát triển thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc một cách toàn diện.
DCE có những chia sẻ về các chính sách, quy định mà chính phủ Trung Quốc đã và đang áp dụng trong công tác quản lý và tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa, đồng thời khẳng định hành lang pháp lý chính là nền tảng để thị trường giao dịch hàng hóa phát triển ổn định, trong bối cảnh biến động không ngừng của thị trường, các chính sách, quy định cần được điều chỉnh nhanh chóng và kịp thời để theo kịp tốc độ phát triển của thế giới. Về phía Bộ Công thương, Bộ cho biết sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng Nghị định mới, thay thế cho Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP nhằm hoàn thiện khung hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam.
Bộ Công thương và Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đón tiếp và làm việc với Sở Giao dịch Hàng hóa Đại Liên - Nguồn: Moit.gov.vn
Tại buổi làm việc, hai bên đã có những trao đổi về các lĩnh vực hợp tác tiềm năng của hai quốc gia. Đối với công tác điều hành thị trường, DCE đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn với Bộ Công thương và MXV trong việc triển khai các nghiệp vụ như: quản lý giao dịch, quản lý rủi ro, bù trừ giao dịch, bảo hiểm giá … Hiện nay, tại Trung Quốc, nhóm nông sản đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, các hợp đồng thuộc nhóm này đều được niêm yết đầu tiên trên các Sở Giao dịch hàng hóa; riêng các hợp đồng ngô, đậu tương của DCE liên lục là những sản phẩm dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên thế giới. Về phía MXV, hiện cơ quan đã và đang phối hợp các tổ chức, bộ, ban, ngành liên quan, xây dựng các “Sàn giao dịch hàng hóa” chuyên biệt cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam; trước mắt MXV sẽ sớm triển khai giao dịch Sàn Giao dịch Cao su và Sàn Giao dịch Thịt heo tại Thành phố Hồ Chí Minh, đây đều là những sản phẩm có sự liên quan và giao thương với thị trường Trung Quốc. Phía DCE cho biết sẽ sẵn sàng cử các chuyên gia hàng đầu tới Việt Nam để chia sẻ, cung cấp các kiến thức và kinh nghiệm cho thị trường giao dịch hàng hóa; đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ cùng MXV tổ chức các Hội thảo quốc tế với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới, tạo cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ giao dịch hàng hóa thế giới.
Sở Giao dịch Hàng hóa Đại Liên cùng Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam làm việc với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Nguồn: Moit.gov.vn
Ngoài ra, hai quốc gia rất coi trọng phát triển thương mại và logistic cảng biển, DCE và MXV đã cùng thảo luận với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) về kế hoạch phát triển giao nhận hàng hóa vật chất tại Việt Nam. Hai bên khẳng định giao nhận hàng hóa vật chất là một phần không thể thiếu trong mô hình hoạt động của bất kỳ thị trường giao dịch hàng hóa nào và là nghiệp vụ quan trọng, bảo đảm sự liền mạch trong hoạt động giao dịch hàng hóa. Hiện nay, tại Việt Nam, cảng Hải Phòng là hệ thống cảng biển lớn với 50 bến cảng, các bến có khả năng đón tàu hơn 130.000 tấn, đưa hàng hóa từ Hải Phòng đến thẳng các châu lục, hướng tới trở thành trung tâm logistics khu vực và quốc tế trong tương lai. Việc hợp tác giữa MXV, DCE, VIMC và cảng Hải phòng sẽ tạo tiền đề vững chắc để thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam phát triển toàn diện, đồng thời nâng tầm vị thế và là bệ phóng giúp hoạt động giao dịch hàng hóa Việt Nam vươn tầm ra quốc tế.
Quang Chiến (VITIC) tổng hợp
-
Trưa 11/3 theo giờ địa phương, tại Thủ đô Wellington, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu của New Zealand và thế giới trên nhiều lĩnh vực nhằm tìm hiểu tiềm năng, nhu cầu và khả năng hợp tác đầu tư Việt Nam-New Zealand.
-
Sáng 11/3, sau khi hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng.
-
Từ ngày 08 đến 09 tháng 3 năm 2024, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 30 (AEMR30) đã diễn ra tại Luang Prabang, Lào, với sự tham dự của Tổng Thư ký ASEAN, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN và Timor Leste (tham dự với tư cách là quan sát viên)
-
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Úc và chuyến thăm chính thức Úc của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài Nguyên Úc đã chính thức thiết lập khuôn khổ pháp lý cho cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng về năng lượng và khoáng sản.