Hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2021: Thách thức vẫn rất lớn
"Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, bên cạnh kiểm soát tốt dịch Covid-19, Chính phủ cần có thêm những chính sách tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, trong đó, bao gồm cả hộ kinh doanh cá thể" - chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam - khẳng định.
ảnh minh họa
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây ra nhiều tác động nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua. Theo ông, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới chỉ số GDP 6 tháng đầu năm có lớn không?
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm cho thấy, một số chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng khá. Ví dụ, kim ngạch xuất nhập khẩu khá ấn tượng với 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này do được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường toàn cầu, trong đó, những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, EU, Trung Quốc. Các chỉ số khác như chỉ số phát triển công nghiệp vẫn duy trì được ở mức 2 con số, đầu tư tư nhân tiếp tục tăng; cân đối lớn của kinh tế vĩ mô về cơ bản vẫn được duy trì… Những kết quả này có được là nhờ chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh trong quý I/2021, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, cuối tháng 4, làn sóng dịch Covid-19 đã quay trở lại, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế đã phần nào khôi phục trong quý I. Đáng chú ý, đợt dịch lần này ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực sản xuất của Việt Nam khi đi thẳng vào một số khu công nghiệp và trung tâm kinh tế lớn. Dịch bệnh tại những khu vực này dù đang được khống chế, nhưng rủi ro bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào vẫn còn hiện hữu, nên dự báo sẽ tác động không nhỏ đến tăng trưởng của Việt Nam 6 tháng đầu năm. Trên thực tế, dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cũng cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam 6 tháng đạt 5,8%, thấp hơn so với mục tiêu đưa ra trước đó.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh khu vực doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể cũng ảnh hưởng rất lớn bởi làn sóng dịch lần thứ 4. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến trên. Khu vực hộ kinh doanh cá thể và kinh tế phi chính thức chịu ảnh hưởng rất lớn bởi sự bùng phát của dịch bệnh do phải tạm thời ngừng kinh doanh hay kinh doanh cầm chừng. Cần lưu ý rằng, khu vực kinh tế này hiện đang chiếm hơn 30% GDP của Việt Nam.
Mặc dù không phải tất cả hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng, nhưng tại những thành phố đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo các cấp độ khác nhau như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, thiệt hại kinh tế đối với khu vực hộ kinh doanh cá thể và khu vực kinh tế phi chính thức, những tiểu thương, người buôn bán nhỏ, người lao động tự do vô cùng lớn.
Cùng với đó, dịch bệnh lan rộng còn ảnh hưởng tới tốc độ triển khai các ý tưởng kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, thực hiện dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công và tới sự phục hồi của các ngành thuộc khu vực dịch vụ. Do đó, có thể khẳng định, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tác động rất lớn đến mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021. Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định chúng ta có đạt được mục tiêu năm 2021 hay không. Có điều chắc chắn rằng, đạt được hay không, cũng đều phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh và hiệu quả của việc khống chế dịch bệnh trong thời gian tới.
Bên cạnh khống chế dịch bệnh, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong cả năm, Chính phủ và các bộ, ngành cần có những chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?
Trên thực tế, chúng ta đã triển khai những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua, nhưng mới chỉ mang tính chất ngắn hạn, tạm thời chưa có tính căn cơ và dài hạn. Để nền kinh tế phát triển bền vững trong thời gian tới, trước hết, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để trong hoàn cảnh nào, cũng có sức chống chọi mạnh mẽ, bền bỉ hơn. Chính phủ và các bộ, ngành cần có biện pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận được thị trường toàn cầu với vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; tạo cơ hội để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng cao hơn, với hàm lượng tri thức, chất xám, công nghệ hơn.
Để được như vậy, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mang tính dài hạn, ví dụ như cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sự cạnh tranh công bằng, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh đó, phát triển khu vực hộ kinh doanh cá thể, nâng cấp dần khu vực kinh tế không chính thức cũng cần được chú trọng.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn
-
Ngày 21 tháng 6 năm 2021, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và ông Hiroshi Kajiyama - Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã chủ trì Hội nghị đặc biệt giữa các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (Hội nghị đặc biệt AMEM-METI).
-
Chiều ngày 21/6/2021, tại trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Trần Quang Huy đã thay mặt Bộ Công Thương và đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ) ngành Công Thương trao số tiền 500 triệu đồng ủng hộ Quỹ Phòng chống Covid- 19.
-
Ngày 18/6/2021, tại Hà Nội, đoàn công tác Bộ Công Thương đã có buổi làm việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công tác phối hợp, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội thuộc chức năng, nhiệm vụ của hai bên. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng chủ trì.
-
Sáng ngày 17/6, tại Trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc với Đại sứ Singapore Jaya Ratnam nhằm trao đổi, thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác song phương giữa Việt Nam và Singapore cũng như các biện pháp thúc đẩy hợp tác đa phương trong khuôn khổ ASEAN, APEC, CPTPP, RCEP.