Hoa Kỳ: Thị trường lớn còn nhiều dư địa để doanh nghiệp xuất khẩu cao su Việt Nam tập trung khai thác
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ 10 của Việt Nam, với trị giá 1,87 triệu USD, tăng 17,5% về trị giá và 0,3% về lượng so với tháng 4/2023; Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 7,46 nghìn tấn, trị giá 11,7 triệu USD, tăng 37,1% về lượng và 58,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là cao su tự nhiên. Trong đó, chủng loại latex được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 31% tổng lượng cao su xuất khẩu với 2,31 nghìn tấn, trị giá 2,89 triệu USD, giảm 7,3% về lượng, nhưng tăng 12,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Đứng thứ hai là chủng loại SVR 3L chiếm 26,54% trong tổng lượng cao su xuất khẩu với 1,98 nghìn tấn, trị giá 3,35 triệu USD, tăng 106,67% về lượng và tăng 125,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Ảnh minh họa - Báo Công thương
Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm 2023, lượng và trị giá xuất khẩu một số chủng loại cao su sang Hoa Kỳ cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023 như: RSS1, SVR 5; trong khi xuất khẩu một số chủng loại như SVR CV50, RSS3, SVR 10 lại giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện nay, mặt hàng cao su của Việt Nam khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải đối mặt với nhiều trở ngại. Sự cạnh tranh từ các đối thủ lớn về sản lượng và chất lượng luôn là thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 13 cho Hoa Kỳ; thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hoa Kỳ chỉ chiếm 1,42%. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2024, Indonesia, Thái Lan, Canada, Hàn Quốc và Bờ Biển Ngà là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hoa Kỳ. Đây đều là những thị trường có ngành công nghiệp cao su lâu đời và phát triển, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực để cạnh tranh.
Tuy có khó khăn nhưng Hoa Kỳ vẫn là một thị trường lớn với nhiều dư địa để doanh nghiệp xuất khẩu cao su của Việt Nam đẩy mạnh khai thác. Trong quý II/2024, nhờ sự phục hồi của ngành ô tô và lốp xe toàn cầu, ngành cao su của Việt Nam đã ghi nhận sự khởi sắc rõ nét và tiếp tục gặp nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong ba nước trồng cao su tốt nhất trên thế giới (cùng với Thái Lan và Indonesia), nhận được sự tin tưởng của khách hàng quốc tế trong nhiều năm qua.
Nhằm tăng cường xuất khẩu cao su sang Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực phát triển ngành hơn nữa theo hướng bền vững, gia tăng diện tích được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững để nắm lợi thế cung cấp vật liệu, sản phẩm cho các nhà sản xuất tại thị trường Hoa Kỳ. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý hiểu rõ và tuân thủ hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt của thị trường Hoa Kỳ để tránh các đơn hàng bị trả về do không đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu.
Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp
-
Liên minh châu Âu (EU) hiện là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn và quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực này đạt 2,55 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang EU chiếm 13,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
-
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa tuần trước với những biến động rất mạnh. Tuy nhiên, sự trái chiều ở nhiều mặt hàng quan trọng khiến chỉ số MXV-Index thay đổi không đáng kể, chốt tuần tăng chưa đến 0,1% lên 2.345 điểm.
-
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 4/2024, giá nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan tại thị trường này là 5,80 USD/kg, tăng nhẹ so với mức trung bình chung là 5,38 USD/kg. Ngược lại, sầu riêng Việt Nam được nhập khẩu với giá 4,22 USD/kg. Nhìn chung, giá sầu riêng giảm đáng kể so với tháng 3, khi sầu riêng Thái Lan nhập khẩu ở mức 6,49 USD/kg, sầu riêng Việt Nam ở mức 5,23 USD/kg và giá nhập khẩu trung bình trong tháng đạt 5,63 USD/kg.
-
Việt Nam và Argentina đã có hơn 50 năm xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị. Argentina là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973. Năm 2010, Việt Nam và Argentina đã nâng tầm quan hệ lên Đối tác toàn diện, nhờ đó hợp tác giữa hai quốc gia ngày càng có những bước phát triển mới tích cực trên nhiều lĩnh vực. Phía Argentina luôn mong muốn sớm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam trong thời gian tới, góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương và tạo nền tảng kinh tế vững chắc tại mỗi quốc gia.