Hòa Bình lần đầu xuất khẩu mật ong rừng và hành tăm muối sang Anh
14/10/2024 11:52
Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Công ty Cổ phần R.Y.B (Hà Nội) đã tổ chức sự kiện đóng hàng lên container lần đầu xuất khẩu chuyến hành tăm muối Yên Thủy và mật ong rừng Kim Bôi sang thị trường Vương quốc Anh.
Nguồn: Moit.gov.vn
Đây là chuyến hàng nông sản chế biến đầu tiên của tỉnh Hòa Bình chào hàng sang thị trường Anh quốc, có tổng khối lượng là 2 tấn, tổng trị giá trên 300 triệu đồng. Hai sản phẩm nông sản chế biến được xuất khẩu là mật ong rừng của HTX Green Life, xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi và hành tăm muối Yên Thủy của HTX Nông nghiệp Phú Lai, xã Phú Lai, huyện Yên Thủy.
Để chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu lần này, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với UBND huyện Yên Thủy, Kim Bôi hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất đã chuẩn hóa vùng nguyên liệu, nâng cao kỹ thuật sơ chế, đóng gói nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường
Ông Đinh Công Thuần, Giám đốc HTX Green Life (Kim Bôi, Hòa Bình) chia sẻ, để có lô hàng đảm bảo chất lượng xuất khẩu sang Anh, HTX Green Life đã xây dựng định hướng sản xuất cụ thể từ khoảng năm 2017. Các thành viên đã bắt tay chuẩn hóa từ khâu kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật thu hoạch và đóng gói. Trong quy trình sản xuất chăn nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và chế biến theo tiêu chuẩn ISO22000. Lô hàng thử nghiệm đầu tiên với số lượng 20 thùng (khoảng 250 lọ mật ong nguyên chân), dù số lượng không nhiều nhưng đây là một bước tiến lớn giúp sản phẩm OCOP Hòa Bình có sự hiện diện tại một trong những thị trường khó tính nhất.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần R.Y.B chịu trách nhiệm đóng hàng xuất khẩu theo quy cách bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và vận chuyển sang thị trường nhập khẩu. Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Công ty cũng chia sẻ, đây là thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, nếu nắm bắt được cơ hội và đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng, đáp ứng các yêu cầu trên, bức tranh về việc mở rộng thị trường sẽ rất tươi sáng.
Có thể thấy, sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) thị trường Anh đã nhìn nhận tích cực hơn về hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam, về sản phẩm Việt Nam thông qua lượng hàng nhập từ Việt Nam tăng mạnh.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Anh trong tháng 9/2024 đạt 607,1 triệu USD, giảm 17,9% so với tháng trước đó. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp
Tin cũ hơn
-
Năm 2023, hai nước Việt Nam – Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện. Trong đó, hợp tác về kinh tế thương mại được đánh giá là điểm sáng, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
-
Ngày 8/10/2024, tại trụ sở Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia – đã chủ trì buổi làm việc với đoàn doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
-
Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Nghệ An ước đạt 1.690 triệu USD, tăng 73,51% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 112,67% kế hoạch. Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh này ước đạt 2.326 triệu USD, tăng 32,01% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 84,58% kế hoạch.
-
Việt Nam hiện đã ký kết và thực thi 16 hiệp định FTA. Tuy nhiên, để hàng hóa xuất khẩu hưởng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp cần nắm vững quy tắc xuất xứ của từng hiệp định và thị trường xuất khẩu. Quy tắc xuất xứ còn đóng vai trò như "lá chắn" bảo vệ các nền kinh tế trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh, buộc doanh nghiệp phải hiểu rõ các quy định này để đảm bảo quyền lợi cho sản phẩm của mình.