Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng phó kiện phòng vệ thương mại
Phòng vệ thương mại (PVTM) ngày càng khẳng định vai trò là công cụ hỗ trợ các ngành sản xuất, doanh nghiệp (DN) trong nước trong quá trình hội nhập, nhất là trong quá trình tự do hóa mạnh mẽ như hiện nay.
Thách thức mới
Trong thời gian bùng phát dịch bệnh Covid-19, số lượng các vụ kiện PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam không những không giảm mà còn tăng lên nhanh chóng.
Cục PVTM, Bộ Công Thương đã nêu khuyến nghị, việc bị áp thuế sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ Việt Nam so với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường không bị áp thuế khác. Hệ quả là các nhà nhập khẩu ở nước áp thuế có thể sẽ chuyển hướng nhập khẩu từ các nước không bị áp thuế khác, dẫn tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bị giảm sút, thị phần bị thu hẹp và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam đối mặt với rủi ro có thể mất thị trường xuất khẩu.
Thậm chí, ngay cả khi vụ việc chưa dẫn đến kết luận áp thuế (mới chỉ ở giai đoạn khởi xướng điều tra), các nhà nhập khẩu có thể có tâm lý e ngại khi nhập khẩu hàng từ Việt Nam khiến cho các đơn hàng bị giảm sút. Trong trường hợp khả quan, khi bị áp dụng biện pháp PVTM với mức thuế thấp, một số DN vẫn có thể duy trì được thị trường xuất khẩu.
Nâng cao năng lực ứng phó các biện pháp PVTM cho DN là yêu cầu cấp thiết hiện nay
Ghi nhận từ Cục PVTM, hiện nay, các sản phẩm của Việt Nam bị điều tra PVTM khá đa dạng, tập trung nhiều ở các sản phẩm kim loại (thép, nhôm); nông, thủy sản (tôm, cá tra) và sợi. Về thị trường khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đứng đầu là Mỹ, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, EU, Canađa, Úc, các nước ASEAN, còn lại là một số thị trường khác. Đặc biệt, một số biện pháp PVTM kéo dài hàng chục năm, kéo theo chi phí theo đuổi vụ việc tốn kém, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định trong sản xuất, xuất khẩu của DN.
Ngoài ra, ngay khi vụ việc PVTM được khởi xướng, các DN xuất khẩu Việt Nam đã phải đối mặt với việc đảo lộn và thay đổi kế hoạch kinh doanh, đầu tư sản xuất, chiến lược mặt hàng của DN mình để đáp ứng với những thay đổi mới của thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, việc chuyển sang thị trường xuất khẩu khác cũng sẽ gặp khó khăn hơn vì các khách hàng tại thị trường xuất khẩu mới có thể lợi dụng vụ việc điều tra PVTM để ép giá hoặc áp đặt những điều khoản, điều kiện không có lợi cho các DN xuất khẩu Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện nay, với xu thế bảo hộ đang gia tăng, một số nước có xu hướng thay đổi các thông lệ điều tra như tự khởi xướng điều tra, thay đổi phương pháp tính toán, thay đổi quy trình điều tra để bảo hộ ở mức cao cho các ngành sản xuất trong nước, dẫn tới nhiều diễn biến khó lường. Đối với hàng hóa đã bị áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp, thành viên áp dụng biện pháp có thể sẽ theo dõi xu hướng dịch chuyển sản xuất và thương mại sang các nước lân cận để ngăn chặn các hành vi lẩn tránh.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật
PVTM là công cụ hỗ trợ các ngành sản xuất, doanh nghiệp (DN) trong nước trong quá trình hội nhập, nhất là trong quá trình tự do hóa mạnh mẽ như hiện nay. Vì vậy, chủ trương của Việt Nam cho tới nay đối với PVTM là rất rõ ràng. Trong đó, Đảng và Nhà nước đề ra, cần tăng cường sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ hợp lý lợi ích của ngành sản xuất và người tiêu dùng.
Trên cơ sở đó, Luật Quản lý ngoại thương 2017 có một chương riêng về PVTM với nội dung chi tiết, phù hợp với quy định của WTO và các FTA; chúng ta còn có Nghị định số 10 về hướng dẫn thực thi các quy định thực thi về PVTM trong Luật Quản lý ngoại thương và các thông tư hướng dẫn về PVTM khi tham gia một số FTA như CPTPP, EVFTA.
Bên cạnh các văn bản pháp luật này, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã ban hành hàng loạt các chương trình, đề án lớn về PVTM như: Đề án 824 về tăng cường quản lý nhà nước đối với chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian luận xuất xứ; Nghị quyết 119 về nội dung tương tự; Đề án 316 về tăng cường chống cảnh báo sớm và hiện nay đang tiếp tục xây dựng Đề án tăng cường năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA.
Đại diện Cục PVTM - nhận định, hiện tại, hệ thống pháp luật của Việt Nam về PVTM cơ bản đã hoàn thiện, phù hợp với các quy định quốc tế mà Việt Nam đã cam kết; tạo cơ sở đồng bộ, toàn diện để chúng ta có thể triển khai hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PVTM.
Về phía DN, theo đánh giá của Cục PVTM, PVTM là lĩnh vực khó và phức tạp, trong thương mại quốc tế, PVTM cũng là lĩnh vực phức tạp nhất; các nước trên thế giới đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và áp dụng biện pháp PVTM từ rất lâu, trong khi Việt Nam công cụ PVTM còn rất mới đối với nhiều ngành sản xuất, nền kinh tế. Nhưng thời gian qua nhận thức của DN về PVTM đã được cải thiện rất nhanh.
Theo đó, kể từ năm 2000 mới có một vài vụ việc về PVTM và có rất ít ngành hiểu được công cụ này, nhưng tới nay nhiều ngành xuất khẩu như thép, thủy sản, gỗ… năng lực, sự hiểu biết về PVTM đã được nâng cao; nhiều DN XK sang thị trường lớn, thường xuyên bị áp dụng biện pháp PVTM đã dành nguồn lực thích đáng cho việc ứng phó với các biện pháp PVTM.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục PVTM - cho hay, thời gian qua, các cơ quan nhà nước và một số DN đã tích lũy được năng lực và kinh nghiệm về PVTM nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Do đó, đòi hỏi phải xây dựng khung khổ chính sách, pháp luật mới về PVTM để phù hợp với các quy định tại các FTA mà Việt Nam đã tham gia. Mặt khác, lĩnh vực PVTM đòi hỏi chuyên môn sâu về pháp luật và tài chính, thường xuyên xuất hiện những vấn đề mới. "Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho đội ngũ cán bộ làm PVTM ở các cơ quan quản lý nhà nước cũng như DN. Đặc biệt, trong bối cảnh vẫn còn diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 khiến việc điều tra PVTM gặp không ít khó khăn"- ông Trung nhấn mạnh.
Cùng với những kết quả tích cực trong hoạt động xuất khẩu, số lượng các vụ việc điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gia tăng đáng kể, trong khi nguồn lực có giới hạn, tạo áp lực ngày càng lớn cho các hoạt động hỗ trợ DN. Hơn nữa, một số thị trường gia tăng xu thế bảo hộ và áp dụng các biện pháp PVTM không phù hợp đặt ra ngày càng nhiều vấn đề cần giải quyết.
Thực tế trên đang đặt ra những yêu cầu cấp bách, trong đó, việc tiếp tục triển khai đồng bộ và toàn diện công tác PVTM ở tất cả các nhóm giải pháp và các hoạt động là hết sức cấp thiết. Lãnh đạo Cục PVTM - thông tin, thời gian tới, Cục sẽ thúc đẩy nâng cao nhận thức, nhằm giúp DN coi PVTM là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh cả thị trường nước ngoài và thị trường trong nước; tập trung vào cảnh báo sớm để cung cấp thông tin kịp thời cho các DN XNK về các nguy cơ, rủi ro để đối mặt với các biện pháp PVTM, cũng như rủi ro tại thị trường trong nước; hoàn thiện nâng cao năng lực PVTM, thông qua xây dựng Đề án nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA, trong đó đặt mục tiêu, đề ra nhiệm vụ toàn diện cho các Bộ ngành liên quan và DN nâng cao năng lực ứng phó, nhân lực, nguồn lực, nhận thức và kể cả mặt pháp lý, thể chế trong công tác PVTM…
Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn
-
Ngày 24/6, Bộ Công Thương ban hành Quyết định về việc thành lập Đoàn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về hoạt động xuất nhập khẩu gạo (sau đây gọi là Đoàn kiểm tra).
-
Sáng ngày 25/6/2021, tại trụ sở Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Trung tâm) - Bộ Công Thương, Đảng bộ Trung tâm đã khai mạc Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
-
Sáng 24/6, Bộ Công Thương trang trọng tổ chức Lễ khai trương Giao diện mới của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương tại địa chỉ moit.gov.vn.
-
"Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, bên cạnh kiểm soát tốt dịch Covid-19, Chính phủ cần có thêm những chính sách tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, trong đó, bao gồm cả hộ kinh doanh cá thể" - chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam - khẳng định.