Hiệp hội Thép Thế giới nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu thép năm nay
Hiệp hội Thép Thế giới đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu năm nay lên mức 2,3%. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu sử dụng thép trong nước dự báo sẽ phục hồi mạnh vào nửa cuối năm nay.
Hiệp hội Thép Thế giới đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu trong năm nay lên mức 2,3%, cao hơn đáng kể so với dự báo tăng 1% được đưa ra hồi tháng 10/2022 - thời điểm thị trường toàn cầu ảm đạm.
Hiệp hội Thép Thế giới nhận định hoạt động sản xuất thép sẽ phục hồi trở lại nhưng môi trường lãi suất cao trên toàn cầu sẽ tiếp tục kìm hãm nhu cầu sử dụng thép.
Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế Hiệp hội Thép Thế giới ông Máximo Vedoya cho biết “Tình trạng lạm phát dai dẳng và lãi suất cao ở hầu hết các nền kinh tế sẽ hạn chế sự phục hồi của nhu cầu thép trong năm nay, bất chấp các yếu tố tích cực như nền kinh tế Trung Quốc tái mở cửa, khả năng phục hồi của châu Âu sau khủng hoảng năng lượng và các căng thẳng của chuỗi cung ứng được giải toả.”
Nhu cầu thép thành phẩm toàn cầu trong năm nay được Hiệp hội Thép Thế giới dự báo đạt 1,82 tỷ tấn. Trong quý 4/2022, nhu cầu sử dụng thép trên toàn thế giới đã sụt giảm rõ rệt, khiến nhu cầu sử dụng thép cả năm 2022 chỉ đạt 1,78 tỷ tấn, giảm 3,2% so với năm 2021.
Trong năm 2024, nhu cầu sử dụng thép có thể tăng 1,7% lên mức 1,85 tỷ tấn. Trong đó, nhu cầu sử dụng thép tại các nền kinh tế mới nổi, chủ yếu ở châu Á, sẽ là động lực chính.
Hiệp hội Thép Thế giới nhận định hoạt động sản xuất thép sẽ phục hồi trở lại trong năm nay nhưng nhu cầu sử dụng vẫn bị kìm hãm bởi tình trạng lãi suất cao. (Ảnh: Bloomberg)
Đối với thị trường Trung Quốc - quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, nhu cầu sử dụng thép tại đây trong năm 2023 được dự báo sẽ tăng nhẹ 2%, sau khi giảm 3,5% trong năm 2022. Sự phục hồi nhu cầu chủ yếu đến từ việc gia tăng hoạt động xây dựng nhà ở dự kiến diễn ra vào cuối năm nay khi Chính phủ Trung Quốc đưa ra các biện pháp hỗ trợ.
Hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc trong năm nay có thể tiếp tục được đẩy mạnh với các dự án đã được khởi công vào cuối năm ngoái. Trong khi đó, hoạt động sản xuất công nghiệp của nước này dự kiến sẽ chỉ phục hồi ở mức độ vừa phải trong năm 2023 và 2024, và hoạt động xuất khẩu sẽ giảm tốc. Hiệp hội Thép Thế giới dự báo Trung Quốc có thể sẽ không ghi nhận tăng trưởng nhu cầu sử dụng thép trong năm 2024.
Đối với thị trường châu Âu, hoạt động sản xuất thép tại đây tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine, chính sách thắt chặt tiền tệ và các vấn đề về chuỗi cung ứng. Nhu cầu về thép tại châu Âu đã giảm mạnh 7,9% trong năm 2022 và dự kiến tiếp tục giảm 0,4% trong năm nay.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, Hiệp hội Thép Thế giới nhận định tăng trưởng nhu cầu sử dụng thép tại đây trong năm 2023 sẽ tăng 1,3% sau khi giảm 2,6% trong năm 2022. Tuy nhiên, tăng trưởng nhu cầu sử dụng trong năm 2024 có thể sẽ suy yếu do rủi ro suy thoái trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) liên tục tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát.
Lãi suất cao cùng với chi phí sử dụng đất cũng như chi phí vật liệu ở mức cao đang tác động tiêu cực đến hoạt động xây dựng, đặc biệt là xây dựng nhà ở, tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng thép tại đây có thể được hỗ trợ bởi hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng và ngành năng lượng.
Tại Việt Nam, số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, sản xuất thép thành phẩm quý I/2023 đạt 6,692 triệu tấn, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 6,068 triệu tấn, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,659 triệu tấn, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VSA, tình hình tiêu thụ thép thô mặc dù vẫn giảm trong những tháng đầu năm nhưng thị trường bắt đầu dần cải thiện. Đáng chú ý, ông Đoàn Danh Tuấn – Phó chủ tịch VSA nhận định tiêu thụ thép trong quý III và quý IV/2023 sẽ tăng trưởng mạnh nhờ loạt yếu tố về giải ngân vốn đầu tư công và chính sách thúc đẩy nhà ở xã hội.
Nguồn: Tạp Chí Công thương
- Để tham khảo thêm thông tin ngành hàng Sắt thép vui lòng xem tại đây;
-
Thị trường đậu tương tiếp tục được hỗ trợ khi mở cửa trở lại trong phiên giao dịch sáng nay. Giá hợp đồng tháng 7 đang quay trở lại vùng kháng cự tâm lí 1500 và cũng đồng thời là vùng đỉnh trước đó.
-
Kết thúc ngày giao dịch 19/04, sắc đỏ hoàn toàn chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới, kéo chỉ số MXV- Index quay đầu giảm 1,37% xuống 2.340 điểm, kết thúc chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp.
-
Khép phiên 17/4, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,55 USD (tương đương 1,8%) xuống mức 84,76 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,69 USD (2,1%) xuống mức 80,83 USD/thùng.
-
Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (Bureau of Indian Standards - BIS) được thành lập năm 1986 nhằm phát triển tổng thể và hài hòa các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, nhãn mác, chứng nhận chất lượng hàng hóa của Ấn Độ theo Bộ luật tiêu chuẩn Ấn Độ.