Hiệp định EVFTA: Việt Nam cam kết xóa bỏ 99% số dòng thuế nhập khẩu từ EU trong vòng 10 năm
(VITIC-DNTM) 18:30 ngày 12/02/2020 (giờ Việt Nam), Nghị viện châu Âu đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA). Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế.
Hiệp định EVFTA và EVIPA đã được ký chính thức ngày 30/6/2019 tại Hà Nội. Hiệp định EVFTA gồm nội dung cắt giảm thuế xuất nhập khẩu nên sau khi Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn thì có thể thực thi ngay.
Về phía EU, 18h30 ngày 12/2/2020 (giờ Việt Nam), Nghị viện châu Âu đã hoàn tất việc bỏ phiếu với kết quả là 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu không ủng hộ và 40 phiếu trống. Nghị viện châu Âu sẽ ra văn bản thống báo hoàn tất quá trình phê chuẩn và chuyển hồ sơ phê chuẩn trở lại Hội đồng Liên minh châu Âu để hoàn tất các thủ tục cuối cùng.
Về phía Việt Nam, các cơ quan đang triển khai các thủ tục để trình Quốc hội, dự kiến tại kỳ họp tháng 5/2020. Trường hợp Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2020 và 2 bên thông báo cho nhau đã hoàn thành các thủ tục pháp lý trong tháng 6/2020 thì Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
Để thực thi nghĩa vụ cam kết thuế của Việt Nam, Bộ Tài chính sẽ xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định EVFTA áp dụng từ ngày Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam và có lộ trình cắt giảm thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo đúng cam kết trong Hiệp định. (Lộ trình cam kết thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo Hiệp định có thể tham khảo trong trang web sau: http://evfta.moit.gov.vn/)
Cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của Việt Nam
Về biểu thuế nhập khẩu: Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU, và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO.
Lộ trình cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng chính của Việt Nam như sau: ô tô (sau 9 năm đối với ô tô phân khối lớn (trên 3000cc cho động cơ xăng và trên 2500 cc cho động cơ diesel) và 10 năm đối với các loại ô tô còn lại); linh kiện, phụ tùng ô tô (tối đa 7 năm); hóa chất (tối đa 7 năm); đồ uống có cồn (tối đa 10 năm); thịt bò (3 năm), thịt lợn đông lạnh (7 năm), thịt gà (10 năm); sữa và sản phẩm sữa (3-5 năm); cá và các sản phẩm cá (3-7 năm); thuốc lá, xì gà (15 năm); máy móc thiết bị (tối đa 7 năm);...
Về cam kết thuế xuất khẩu: Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu tập trung vào một số nhóm hàng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc)...
VITIC-DNTM
-
Ngày 16/2, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát 76 cơ sở kinh doanh, sản xuất thiết bị y tế, trong đó xử phạt 13 cơ sở với số tiền hơn 9 triệu đồng, tạm giữ trên 100.000 chiếc khẩu trang vi phạm
-
Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) đang diễn biến phức tạp, khó lường và có tác động nhiều mặt tới nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng
-
Tiếp theo các hoạt động của Năm ASEAN 2020 do Việt Nam làm chủ nhà, Hội nghị của Nhóm Đặc trách Cao cấp về Hội nhập kinh tế ASEAN lần thứ 37 (HLTF-EI 37)
-
Sau khi phát hiện và tịch thu lô hàng 143.000 chiếc khẩu trang trị giá hơn 1 tỷ đồng nghi là giả ngày 11/2, Tổng cục Quản lý thị trường đã chuyển tới cơ quan chức năng kiểm nghiệm và giám định chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, số khẩu trang y tế trên là hàng giả, không đạt yêu cầu về chất liệu theo TCVN 8389-1:2010.