Hiệp định CPTPP và cam kết từ Canada dành cho Việt Nam đối với mặt hàng giày dép
Về tổng thể, Canada cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với mặt hàng giày dép, 55/69 số dòng thuế (tương đương 79,7%) được xoá bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 6 nước ban đầu.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, được kỳ vọng sẽ đặt ra các tiêu chuẩn cao cho các thỏa thuận thương mại, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng cho hoạt động trao đổi thương mại trong khu vực và trên thế giới.
Hiệp định được ký kết ngày 08 tháng 3 năm 2018 tại thành phố San-ti-agô, Chi-lê, bao gồm 11 nước thành viên là Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Canada, Chilê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam. Cho đến nay đã có 8/11 nước phê chuẩn Hiệp định (chỉ còn Ma-lai-xi-a, Chi-lê và Bru-nây chưa phê chuẩn), trong đó Việt Nam là nước phê chuẩn thứ 7.
Hiệp định đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.
Theo cam kết, các nước CPTPP sẽ phải cắt giảm gần như 100% dòng thuế về 0% sau một thời gian nhất định. Đặc biệt, giày dép là một trong những ngành có mức cắt giảm thuế về 0% nhanh nhất và vì vậy, được kỳ vọng sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định CPTPP. Hiện nay, giày dép là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn hàng đầu của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép của các doanh nghiệp Việt Nam tăng liên tục qua các năm. Kết quả này đạt được một phần quan trọng là do Việt Nam tham gia nhiều FTA với mức cắt giảm thuế sâu rộng, tạo nhiều cơ hội cho ngành giày dép mở rộng thị trường. Tuy nhiên, dư địa để tăng trưởng xuất khẩu thông qua việc khai thác các thị trường mà Việt Nam có FTA còn rất nhiều.
Cam kết của Canada
Về tổng thể, Canada cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với mặt hàng giày dép, 55/69 số dòng thuế (tương đương 79,7%) được xoá bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 6 nước ban đầu.
Các dòng thuế còn lại xoá bỏ theo lộ trình, trong đó 9/69 số dòng thuế (tương đương 13%) sẽ giữ mức thuế cơ sở trong 8 năm đầu, xoá bỏ dần trong vòng 4 năm từ năm thứ 9 và về 0% vào năm thứ 12; 1/69 dòng thuế giảm xuống còn một phần tư so với mức thuế cơ sở vào năm thứ 1, giữ ở mức này đến năm thứ 11 và về 0% vào năm thứ 12; 1/69 dòng thuế sẽ được xoá bỏ dần sau 7 năm, về 0% vào năm thứ 7; 3/69 dòng thuế còn lại xoá bỏ thuế quan sau 11 năm, về 0% vào năm thứ 11.
Hiệp định CPTPP hiện là FTA duy nhất mà Việt Nam có với Canada. Do đó, Hiệp định được kỳ vọng rất nhiều trong việc tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng giày dép, xâm nhập vào thị trường Canada, đặc biệt khi thuế suất nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) trước khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực của mặt hàng này tại thị trường Canada là tương đối cao, lên tới 20%.
Có thể thấy, Canada cam kết gần 80% dòng thuế của mặt hàng da giày sẽ về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực từ ngày 30/12/2018, tương đương 78% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam, trong đó có những mặt hàng đang chịu thuế suất cơ sở rất cao trước khi Hiệp định có hiệu lực, lên tới 20%.
Nhóm hàng có mã HS 6404 (Giày, dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng nguyên liệu dệt) và HS 6403 (Giày, dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ bằng da thuộc) là những nhóm hàng có tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Canada. Các nhóm hàng này có tỷ lệ lớn số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực, lên tới 90% và 73,7%, do đó sẽ tạo lợi thế rất lớn cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu này của Việt Nam.
Đối với nhóm hàng 6405 và 6406, tuy kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam sang Canada hiện còn khiêm tốn nhưng dư địa tăng trưởng thương mại sẽ là rất lớn do 100% mặt hàng thuộc hai nhóm này sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với danh mục xóa bỏ thuế quan theo lộ trình, danh mục CA1 (mức thuế nhập khẩu sẽ giữ ở mức thuế cơ sở từ năm thứ nhất đến năm thứ 8 và sẽ được xóa bỏ sau 4 năm kể từ năm thứ 9, và hàng hóa đó sẽ được miễn thuế kể từ ngày 01 tháng 01 năm thứ 12) bao gồm một số loại giày làm từ cao su hoặc nhựa, giày có cổ cao quá mắt cá chân và mũi giày được gắn kim loại để bảo vệ…
Các mặt hàng này hiện đang có thuế suất cơ sở từ 10 - 20%. Danh mục CA2 (mức thuế nhập khẩu sẽ giảm còn một phần tư mức thuế cơ sở vào ngày Hiệp định có hiệu lực của năm thứ nhất, và sẽ giữ ở mức này đến năm thứ 11, và hàng hóa đó sẽ được miễn thuế kể từ ngày 01 tháng 01 năm thứ 12) bao gồm các loại giày có cổ cao quá mắt cá chân, trừ loại giày dành cho người có bàn chân có tật, khiếm khuyết hoặc giày mua theo đơn của bác sĩ.
Mặt hàng này hiện đang chịu thuế suất MFN 18%, thuế suất thuế nhập khẩu CPTPP đã cắt giảm về mức 4,5%, duy trì mức thuế suất này đến năm 2028 và về 0% vào năm 2029.
Danh mục xóa bỏ thuế quan sau 7 năm chỉ có duy nhất dòng hàng 6403.40.00 (giày dép khác có đế bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp, mũ bằng da thuộc và có kim loại để bảo vệ). Hiện mặt hàng này đang chịu thuế suất MFN 18%, thuế ưu đãi theo Hiệp định là 7,5% và sẽ giảm về 0% vào năm 2024. Danh mục xóa bỏ thuế quan sau 11 năm chủ yếu bao gồm các loại dép đi trong nhà, theo đó, thuế sẽ giảm về 0% vào năm 2028.
Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 3 tỷ USD sang Canada; 94,5% dòng thuế được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam;
96,3% số dòng thuế được xóa bỏ vào năm thứ 4, tương đương 93,4% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Duy trì TRQ đối với 96 dòng thuế của 3 nhóm mặt hàng: (i) thịt gà; (ii) trứng và (iii) bơ sữa và sản phẩm bơ sữa.
Nguồn: Moit.gov
Link nguồn
-
Nhằm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP cho các địa phương nói chung và khu vực Tây nguyên nói riêng, ngày 25/9/2021 Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh thành phía nam trong điều kiện dịch Covid 19
-
Sáng ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
-
Khi dịch bùng phát ở một số quốc gia vào năm 2020, các công ty đa quốc gia buộc phải chuyển đơn hàng đi qua các nước chưa bị ảnh hưởng dịch, trong đó có Việt Nam. Giới chuyên gia nhìn nhận: Việt Nam phải xem đó là bài học để không bị mất đi cơ hội và lợi thế của mình.
-
Cũng như tại nhiều quốc gia trên thế giới, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất càng khẳng định những khó khăn này chỉ là nhất thời, Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, tiếp tục là điểm đến ngày càng hấp dẫn của các nhà đầu tư.