Hà Nội đánh giá, phân hạng 53 sản phẩm OCOP của huyện Hoài Đức và Quốc Oai
Ngày 2/11, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần 1, đợt 1 năm 2021 của hai huyện Hoài Đức và Quốc Oai.
Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần 1, đợt 1 năm 2021
Tại hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP đạt được công nhận từ 3 sao trở lên; mỗi huyện, thị xã xây dựng được ít nhất 1 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Hằng năm, mỗi quận, huyện, thị xã phát triển ít nhất 2 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.
Năm 2021, thành phố Hà Nội sẽ đánh giá khoảng 400 sản phẩm, nhưng đến nay đã có 541 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm. Trong đó, hai huyện Hoài Đức và Quốc Oai có 53 sản phẩm.
Để đảm bảo tính khách quan, công bằng trong quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, ông Chu Phú Mỹ đề nghị các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố bám sát các tiêu chí đã được quy định để đánh giá một cách khách quan, công bằng”. Đối với các tất cả các sản phẩm cần nghiên cứu hồ sơ, xem xét các tiêu chí liên quan đến các sở, ngành để tham gia ý kiến, bổ sung các chủ thể những nội dung chính, tuyệt đối không được nợ tiêu chí.
Đối với các chủ thể, các đơn vị tư vấn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chứng minh sản phẩm mẫu, để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố thực hiện nhiệm vụ bảo đảm chất lượng đánh giá.
Ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế trên địa bàn Thành phố theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện; cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng, phù hợp với thị hiếu và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Một số sản phẩm tham gia xếp hạng OCOP năm 2021
Nhằm hỗ trợ cho các chủ thể phát triển thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, sau khi các sản phẩm được đánh giá, công nhận, các địa phương đều có hình thức hỗ trợ các chủ thể quảng bá sản phẩm tại các hội chợ xúc tiến thương mại của địa phương và Thành phố, xây dựng và bảo vệ thương hiệu để sản phẩm ngày càng có chỗ đứng bền vững trên thị trường.
Theo Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, thành viên kiêm thư ký Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, việc công nhận sản phẩm OCOP là cơ hội để các chủ thể phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đồng thời, nâng cao thu nhập ở nông thôn, thúc đẩy phát triển chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội. Việc được đánh giá, phân hạng, cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP là “giấy thông hành” để sản phẩm OCOP của Hà Nội mở rộng thị trường tiêu thụ trong cả nước và xuất khẩu ra thế giới.
Bộ Tiêu chí của sản phẩm OCOP gồm ba (03) phần:
- Phần A: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng
- Phần B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị
- Phần C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm
Phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo Bộ Tiêu chí. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 05 hạng:
- Hạng 05 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm, là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu.
- Hạng 04 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến 89 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, có thể nâng cấp lên hạng 5 sao.
- Hạng 03 sao:Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến 69 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao.
- Hạng 02 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến 49 điểm, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao.
- Hạng 01 sao: Tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm khởi điểm tham gia Chương trình OCOP, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.
Nguồn: Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội
Link nguồn
-
Sáng ngày 01/11/2021, Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh Đắk Lắk năm 2021 đã tổ chức họp thống nhất các tiêu chí, thang điểm;
-
Theo báo cáo của UBND tỉnh, dù chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 song nhờ tập trung triển khai các giải pháp trong công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá, bảo đảm thông suốt cho việc lưu thông hàng hóa đã giúp hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh có nhiều khởi sắc.
-
Cà phê, hạt tiêu Việt Nam là những sản phẩm đã và đang được thị trường thế giới nói riêng và thị trường Australia ưa chuộng, tin dùng. Do vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại sẽ giúp cà phê, hạt tiêu Việt Nam ngày càng mở rộng thị phần tại thị trường này.
-
Nhu cầu đối với các dịch vụ logistics vẫn tăng mạnh trong tháng 10/2021 và tiếp tục tăng trong 2 tháng cuối năm 2021 khi các biện pháp thúc đẩy kinh tế trong điều kiện “bình thường mới” đang được triển khai rộng rãi ở nhiều khu vực thị trường trên thế giới.