Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Giải pháp thiết thực hỗ trợ phục hồi kinh tế
Góp phần ổn định giá xăng dầu
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Việc tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường trong năm 2024 sẽ góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Giảm nhiều loại thuế đối với xăng dầu đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được áp dụng từ ngày 1/4/2022. Hiện, mức thuế này vẫn đang được giảm 50%, tương ứng 2.000 đồng/lít (trừ etanol) và 1.000đ/lít dầu diesel. Tuy nhiên, chính sách trên sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Để tránh ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang đề xuất tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đến hết năm 2024.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2024 như mức thuế quy định tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, xăng, trừ etanol: 2.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn: 1.000 đồng/lít. Mỡ nhờn: 1.000 đồng/kg. Dầu hỏa: 600 đồng/lít.
Từ ngày 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (xăng, trừ etanol là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg).
Để đảm bảo tính liên tục và kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong trường hợp giá xăng dầu biến động ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án điều chỉnh mức thuế BVMT cho phù hợp với tình hình thực tế.
Trước đó, tại Nghị quyết số 164/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Tài chính: “Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã quy định tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 trong năm 2024, trình Chính phủ trong tháng 10/2023”.
Ngày 6/10, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề nghị xây dựng hồ sơ Dự án Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Ngày 12/10, Văn phòng Chính phủ đã có công văn về xây dựng dự án Nghị quyết, theo đó Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đồng ý giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự thủ tục rút gọn theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Như vậy, việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn kịp thời trong bối cảnh giá xăng dầu đang ở mức cao được xem là giải pháp hiệu quả để giảm chi phí thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, từ đó có tác động tức thì trong việc giảm giá bán lẻ xăng dầu.
Giảm thuế là cần thiết
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng vừa có công văn gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024.
Theo cơ quan này, sau khi tham khảo ý kiến các doanh nghiệp và một số chuyên gia, VCCI đồng tình với nội dung của dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu trong năm 2024.
"Việc Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 là một giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay", theo VCCI.
Liên quan đến nội dung này, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, cùng với việc giảm thuế bảo vệ môi trường, cần kết hợp nhiều giải pháp để hỗ trợ, kể cả các giải pháp về tiền tệ, từ đó lấy cơ sở để hỗ trợ phục hồi kinh tế cho năm sau.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế- PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, đề xuất kéo dài thời gian giảm 50% thuế bảo vệ môi trường xăng dầu năm 2024 là cần thiết, bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, sự biến động của giá xăng dầu có tác động đến rất nhiều đối tượng trong xã hội.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào.
Theo Bộ Tài chính, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tác động trực tiếp đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước, góp phần giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm giao giao thông - vận tải, vận chuyển, đánh bắt thủy sản, dịch vụ khí đốt... Bên cạnh đó, giảm giá xăng dầu cũng góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bày tỏ, trong điều kiện kinh tế năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn nửa đầu năm tới, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là điều doanh nghiệp mong muốn.
Tuy nhiên, với dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 tương đương năm 2023 và với mức thuế bảo vệ môi trường cho những mặt hàng này như đề xuất nêu trên thì số thu thuế bảo vệ môi trường giảm so với việc thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hơn 38.900 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng thu ngân sách nhà nước giảm hơn 42.800 tỷ đồng.
Với đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu của Bộ Tài chính, theo đó sẽ giảm thu ngân sách, song Bộ Tài chính đánh giá đây là chính sách cần thiết trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục phức tạp, nhiều khả năng giá thời gian tới vẫn biến động khó lường, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đến sự ổn định kinh tế - xã hội cũng như tác động đến thị trường trong nước.
Đồng thời sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều từ việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như giao thông vận tải, vận chuyển, đánh bắt thủy sản, dịch vụ khí đốt...
Việc duy trì chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu mỡ nhờn đã góp phần giảm sự biến động về giá của mặt hàng này.
Việc thực hiện các chính sách về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn; giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng, nguyên liệu sử dụng để sản xuất xăng trong thời gian qua và trong năm 2023 đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế tác động của việc tăng giá xăng dầu trên thị trường quốc tế đến giá xăng dầu trong nước. Đồng thời, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước trong việc tiếp cận nguồn cung xăng dầu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng khác của Nhà nước.
Nguồn: Báo Công thương điện tử
-
“Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, HTX khu vực phía Bắc năm 2023” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) thực hiện sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội trong 6 ngày từ 25/10 -30/10 tại Vinhomes Royal City
-
Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế.
-
Tại kỳ điều hành ngày 11/10/2023, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giá bán mặt hàng xăng E5RON92 không cao hơn 21.907 đồng/lít, giảm 1.595 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, thấp hơn xăng RON95-III 1.137 đồng/lít
-
Ngày 06/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2575/QĐ-BCT về lượng và phương thức phân giao hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2023,