Giá trị xuất khẩu viên nén tăng 34 lần trong 10 năm
Trong 10 năm qua (2013 - 2022), lượng xuất khẩu viên nén của Việt Nam đã tăng 28 lần và giá trị xuất khẩu tăng 34 lần.
Nguyên liệu sản xuất viên nén xuất khẩu của Việt Nam từ nguồn gỗ rừng trồng trong nước, chủ yếu là từ cây keo - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Thông tin trên được đưa ra trong Báo cáo do Tổ chức Forest Trends phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định thực hiện. Theo đó, Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu viên nén lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 4,9 triệu tấn viên nén, đạt kim ngạch 0,79 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu viên nén đạt 1,57 triệu tấn, kim ngạch đạt khoảng 256,5 triệu USD.
Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường nhập khẩu viên nén nhiều nhất của Việt Nam. Lượng và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm 97% tổng lượng và giá trị xuất khẩu từ Việt Nam vào tất cả các thị trường trong năm 2022.
6 tháng đầu năm 2023, lượng viên nén của Việt Nam xuất đi Hàn Quốc đạt khoảng 0,8 triệu tấn. Dự kiến đến hết năm 2023, lượng xuất khẩu viên nén của Việt Nam vào thị trường này đạt khoảng 1 - 1,5 triệu tấn. Việt Nam là nguồn cung viên nén chính cho Hàn Quốc (cung 80% trong tổng nhu cầu sử dụng của thị trường này).
Những tháng đầu năm 2023 chứng kiến mức biến động giá rất lớn đối với viên nén Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đầu năm, giá viên nén xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc và Nhật Bản dao động trong khoảng 140 USD/tấn (FOB Việt Nam), sau đó tăng rất mạnh, đạt 180-190 USD/tấn rồi giảm dần. Trong tháng 6/2023, giá xuất khẩu viên nén sang Hàn Quốc chỉ đạt khoảng 110 USD/tấn trong khi mức giá xuất khẩu đi Nhật Bản đạt 145 – 165 USD/tấn. Điều này làm cho một số doanh nghiệp viên nén Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ không có tiềm lực về tài chính phải ngừng sản xuất.
Theo đánh giá của chuyên gia Forest Trends, thị trường Nhật Bản có tính ổn định hơn nhiều so với Hàn Quốc, với các đơn hàng dài hạn (hợp đồng mua – bán thường là 10 – 15 năm) hiện được xuất với mức giá dao động khoảng 145 – 165 USD/tấn (FOB Việt Nam). Bên cạnh các hợp đồng dài hạn, một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng thực hiện các hợp đồng ngắn hạn với một số nhà cung ứng Việt Nam.
Tính đến nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn viên nén vào Nhật Bản. Toàn bộ lượng viên nén xuất khẩu đi Nhật Bản đòi hỏi phải có chứng chỉ FSC. Nguyên liệu cho viên nén xuất khẩu đi Nhật Bản là từ nguồn gỗ rừng trồng trong nước, chủ yếu là từ cây keo.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ
-
Theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong tháng 6/2023 đạt 29,45 tỷ USD, tăng 5% so với tháng 5/2023.
-
Sau gần 3 năm tạm dừng do dịch COVID-19, đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng thủy, hải sản qua cặp cửa khẩu Cốc Nam (Văn Lãng, Lạng Sơn) - Lũng Nghịu (Quảng Tây, Trung Quốc) đã được khôi phục trở lại.
-
6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 4,27 triệu tấn và 2,3 tỷ USD. Triển vọng xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm 2023 được đánh giá tương đối tích cực.
-
Để hỗ trợ xuất khẩu, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo các đơn hàng mới, giúp tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cũng như giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng