Gia tăng cơ hội xuất khẩu đối với các sản phẩm quần áo denim của Việt Nam
Theo Công ty Balaji Enterprises (Ấn Độ)- đơn vị tổ chức Triển lãm quốc tế lần thứ 6 về Denim, dệt kim và chuỗi cung ứng quần áo thể thao (Denimsandjeans), Việt Nam đã xuất khẩu hơn 65-70 triệu sản phẩm quần áo denim mỗi năm và số lượng này dự kiến sẽ tăng lên vào năm 2024, với các đơn đặt hàng lớn đang đến và ngày càng nhiều đầu tư được thực hiện để tận dụng EVFTA.
Đáng chú ý, Việt Nam không sản xuất các sản phẩm giá rất thấp mà chuyên về danh mục trung và cao cấp với các tiêu chuẩn bền vững mạnh mẽ. Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị toàn cầu đặt Việt Nam vào vị trí rất cao trong ngành này và dự kiến sẽ tăng trưởng hơn 10% mỗi năm trong 5-7 năm tới.
Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN
Trong bối cảnh đó, Triển lãm Denimsandjeans sẽ quy tụ các nhà sản xuất denim lớn từ Việt Nam và hơn 10 quốc gia trên thế giới, giới thiệu những đổi mới quan trọng trong sản xuất với trọng tâm là phát triển bền vững.
Chủ đề của chương trình – "Room to Roam" hàm ý rằng denim có đủ cơ hội (room) để tiếp tục phát triển (roam). Chủ đề cũng phản ánh khả năng của denim để thâm nhập và lan tỏa đến các phân khúc khác nhau của dân số – đi sâu vào các sử dụng hàng ngày của con người, và song song đó lan tỏa các giá trị trên hành trình phát triển sản xuất bền vững.
Trong lần thứ 6 tại Việt Nam, triển lãm sẽ tiếp tục triển khai “Denim Bazaar” – khu vực để các thương hiệu Việt Nam trưng bày các sản phẩm denim sáng tạo của mình, bao gồm denim tái chế. Đây là cơ hội để khách tham quan trải nghiệm và sở hữu các sản phẩm chất lượng cao được sáng tạo ra bởi những người Việt. Qua đó mang đến cái nhìn sâu hơn về năng lực sản xuất denim của Việt Nam.
Triển lãm quốc tế Denimsandjeans 2024 cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất denim Việt Nam chứng minh với các nhà mua trên thế giới về khả năng đáp ứng các dịch vụ cung ứng denim theo yêu cầu ngày càng khắt khe về sản xuất bền vững.
Xuất khẩu dệt may Việt Nam đang đứng top 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong quý I/2024, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế hết quý I/2024, tất cả các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều tăng trưởng tốt. Nhìn chung, những tháng đầu năm 2024, sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới tăng lên, phần lớn doanh nghiệp dệt may trong nước đã ký được đơn hàng đến hết quý II/2024, thậm chí một số đã có đơn hàng đến quý III/2024. Triển vọng ngành dệt may năm 2024 của Việt Nam hứa hẹn có nhiều điểm sáng, trong đó các mặt hàng sản phẩm quần áo denim được kỳ vọng sẽ ngày càng đóng góp vào sự tăng trưởng chung của dệt may Việt Nam.
Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp
-
Trong năm tháng đầu năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tình trạng bất ổn an ninh, chính trị leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn rủi ro tới sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu; kinh tế thế giới bước đầu phục hồi nhưng còn chậm; thiên tai, biến đổi khí hậu tác động tới kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia.
-
Sản xuất công nghiệp tháng Năm tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực hơn so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Năm ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.Tính chung năm tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước
-
Từ ngày 6 – 8/6/2024, sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” (Viet Nam International Sourcing 2024) đã diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh đồng tổ chức. Chuỗi sự kiện là hoạt động nhằm tích cực triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022.
-
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, ngày 12/6, Ủy ban châu Âu (EC) đã đăng Công báo Quy định số 2024/1662 ký ngày 11/6/2024 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước thứ 3 vào thi trường EU theo quy định 2019/1973.