VITIC
Thị trường thế giới

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục sụt giảm

21/08/2023 08:29

- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Gỗ nguyên liệu tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Sắt thép tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Cá tra tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Thịt lợn tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Rau quả tại đây;


Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa tuần giao dịch vừa qua (14/8- 20/8), mặc dù chỉ số MXV-Index hồi phục trong 2 ngày cuối tuần, tuy nhiên mức sụt giảm mạnh trong 3 ngày đầu tuần vẫn kéo chỉ số hàng hóa này tiếp tục giảm 1,15% xuống 2.243 điểm. Trong khi đó, dòng tiền trở lại thị trường, thể hiện qua mức tăng gần 18% của giá trị giao dịch toàn Sở, trung bình đạt 3.300 tỷ đồng/phiên.

Đóng góp chủ yếu vào đà giảm của thị trường trong tuần là lực bán mạnh trên nhóm năng lượng và nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, toàn bộ 5 mặt hàng năng lượng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Nhiều mặt hàng quan trọng ghi nhận các mức lao dốc mạnh.

Dầu thô đứt chuỗi tăng 7 tuần liên tiếp

Dầu thô đã chính thức kết thúc chuỗi tăng giá 7 tuần liên tiếp, quay đầu giảm trở lại trong tuần giao dịch 14/8 – 20/8, trước những lo ngại về tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai trên thế giới. Ngoài ra, rủi ro lãi suất cao sẽ còn kéo dài tại Mỹ cũng gây áp lực nhất định lên giá dầu trong tuần. Chốt tuần, giá dầu WTI chốt tuần tại mức giá 81,25 USD/thùng, giảm 2,33% so với tuần trước đó. Giá dầu Brent giảm 2,31% xuống 82,8 USD/thùng.

MXV cho biết, nguyên nhân chính kéo giá dầu giảm trở lại trong tuần qua là dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc, làm gia tăng lo ngại về sự phục hồi tăng trưởng sau dịch bệnh. Trong bối cảnh này, nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.  

Bên cạnh đó, Biên bản họp lãi suất hồi tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố trong tuần qua vẫn nhấn mạnh vào mục tiêu kiểm soát lạm phát, cảnh báo về biến động lãi suất có thể tăng hơn nữa hoặc duy trì trong thời gian dài. Đồng USD tăng tuần thứ 5 liên tiếp cũng tạo sức ép nhất định cho giá dầu do chi phí mua hàng đắt đỏ hơn. 

Còn xét về yếu tố cung cầu, Ngân hàng Citigroup cho rằng các nhà giao dịch có thể bán khống dầu và các sản phẩm từ dầu sau khi mùa hè kết thúc. Các nhà phân tích của Citigroup cho rằng nhu cầu thường đạt đỉnh vào tháng 8, dự báo thị trường dầu sẽ ​​thặng dư 200.000 thùng/ngày trong năm 2023 và tiếp tục thặng dư 1,8 triệu thùng/ngày vào năm 2024, với nguồn cung dầu bổ sung đến từ các quốc gia cả trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). 

Ngoài ra, Citigroup cũng cảnh báo các nhà giao dịch rằng OPEC+ có thể sẽ phải cắt giảm sản lượng nhiều hơn nữa để giữ giá dầu trên mức 70 USD/thùng. 

Mặc dù sức ép bán chiếm ưu thế trong tuần, nhưng giá dầu đã lấy lại động lực tăng giá trong 2 phiên cuối tuần trong bối cảnh lo ngại nguồn cung tại Mỹ sẽ không đủ bù đắp sự thiếu hụt trên thị trường trong trung và dài hạn.  

Số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ đã giảm 5 giàn trong tuần qua xuống còn 520, mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2022 và thấp hơn khoảng 14% so với thời điểm này năm ngoái, theo dữ liệu của Tập đoàn dầu khí Baker Hughes. 

Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu châu Á tiếp tục săn lùng dầu thô cho hoạt động lọc trong bối cảnh nguồn cung Trung Đông thắt chặt. Iran đã tăng giá dầu thô kỳ hạn tháng 9 tới thị trường châu Á. Cụ thể, mức chênh lệch 3,45 USD/thùng so với báo giá tiêu chuẩn của Oman/Dubai đối với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 của Iran cao hơn khoảng 0,3 USD/thùng so với mức chênh lệch giá kỳ hạn tháng 8. 

MXV nhận định, trong tuần này, thị trường năng lượng nói chung, giá dầu thô nói riêng nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu các tác động mạnh mẽ bởi yếu tố vĩ mô, trong đó tâm điểm là Hội nghị Jackson Hole, một trong những hội nghị kinh tế quan trọng với nhà đầu tư. Hàng loạt quan chức từ các Ngân hàng Trung ương lớn nhất trên thế giới sẽ tham dự trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 24/8. 

Các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có thêm thông tin từ các bình luận về kế hoạch thắt chặt tiền tệ, đánh giá về điều kiện tăng trưởng kinh tế, các chính sách kinh tế thời gian tới trong thời điểm Hội nghị diễn ra. Điều này sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường tài chính, trong đó có thị trường năng lượng.

Ngoài ra, bên cạnh các tác động vĩ mô, nhà giao dịch dầu thô cần theo dõi chặt chẽ yếu tố cung cầu, nhất là khi Mỹ đang dần bước vào giai đoạn cuối mùa tiêu thụ cao điểm. Đối với quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới là Trung Quốc, bối cảnh kinh tế kém sắc vẫn đang tạo ra sức ép nhất định cho giá dầu. Tuy nhiên, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản nhằm hỗ trợ tăng trưởng ngay đầu tuần tới. Điều này có thể đem lại động lực tăng nhẹ cho giá dầu.

Giá cà phê lao dốc

Cà phê Arabica trải qua chuỗi giảm 8 ngày liên tiếp và giá chỉ hồi phục vào phiên cuối tuần. Đóng cửa, mặt hàng này đánh mất gần 5% giá trị, chốt ở sát mức 3.307 USD/tấn. Cà phê Robusta thậm chí lao dốc hơn 6%. Theo MXV, triển vọng mùa vụ tích cực tại Brazil giúp nguồn cung toàn cầu được củng cố là yếu tố chính gây áp lực lên giá cà phê trong tuần qua.

Theo thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), chỉ trong 16 ngày đầu tháng 08, Brazil đã xuất khẩu được 400,2 nghìn bao cà phê Robusta loại 60kg. Đây là mức xuất khẩu Robusta cao nhất so với cùng kỳ các tháng. Việc Brazil đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Robusta đã xoa dịu lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường thế giới do khan hiếm cà phê tại Việt Nam.

Trong khi đó, CECAFE cũng cho biết, Brazil đã xuất khẩu hơn 1,4 triệu bao cà phê Arabica dạng hạt loại 60kg, tăng 26% so với mức được vận chuyển ra nước ngoài trong cùng kỳ tháng trước. Đồng thời, tổng lượng cà phê vận chuyển trong 18 ngày đầu tháng 08 đạt hơn 2 triệu bao, tăng khoảng 500 nghìn bao so với cùng kỳ tháng trước.

Bên cạnh đó, việc tỷ giá USD/Brazil tăng tuần thứ 3 liên tiếp cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil, từ đó gây thêm sức ép lên giá cà phê. MXV nhận định, tuần này, hoạt động xuất khẩu cà phê của Brazil sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường. Các số liệu sẽ phản ánh cụ thể hơn về khả năng bù đắp thiếu hụt nguồn cung cà phê toàn cầu từ Brazil, từ đó tác động lên giá trên các Sở thế giới.

Thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong 15 ngày đầu tháng 8, cả nước xuất khẩu 37,4 nghìn tấn cà phê, thu về kim ngạch đạt 110,8 triệu USD; giảm 23,3% về lượng và nhưng chỉ giảm 3,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8, nước ta đã xuất khẩu tổng cộng 1,54 triệu tấn cà phê, tương đương kim ngạch 2,81 tỷ USD, giảm 20% về lượng nhưng tăng gần 5% về giá trị do giá xuất khẩu tăng cao.

Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng ghi nhận mức giảm mạnh, lên đến khoảng 3.000 đồng/kg trong tuần vừa qua. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua ở khoảng 63.600 – 64.400 đồng/kg.

 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.058.836