Gạo Việt xuất khẩu vào EU đã “hưởng lợi” về giá nhờ hiệu ứng EVFTA
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại khu vực phía Nam cho biết đã bước đầu “hưởng lợi” về giá sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.
Dù EVFTA chỉ mới thực thi chưa đầy 1 tháng nhưng những tác động tích cực của Hiệp định này đến ngành gạo xuất khẩu trong những ngày qua được doanh nghiệp đánh giá rất khả quan. Theo đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.
Điển hình là trường hợp của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc công ty - cho biết: Lô hàng 3.000 tấn đầu tiên của công ty đã được ký kết với đối tác nhập khẩu Đức sau khi EVFTA có hiệu lực.
Gạo Việt vào EU đã “hưởng lợi” về giá nhờ hiệu ứng EVFTA
Theo ông Bình, hai chủng loại gạo thơm được Trung An xuất khẩu lần này là gạo ST20 và Jasmine. Đáng mừng hơn, do được hưởng thuế suất bằng 0% nên giá xuất khẩu của hai mặt hàng này cao hơn nhiều so với thời điểm trước. Cụ thể, gạo ST20 được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn; trong khi thời điểm trước đó gạo ST20 chỉ có giá 800 USD/tấn còn Jasmine là 520 USD/tấn.
Giống như Trung An, ông Phan Văn Có - Giám đốc Makerting Công ty Vrice International - cho biết, doanh nghiệp này cũng ghi nhận giá xuất khẩu gạo vào EU tốt hơn so với tháng trước (khoảng 700 USD/tấn gạo thơm - cao hơn 15% so với thời điểm trước). Bên cạnh đó, số lượng đơn hàng từ các đối tác châu Âu cũng tăng nhiều hơn so với các tháng trước đó.
“Ngoài việc được hưởng lợi thế về thuế xuất, ngành gạo Việt Nam còn được lợi từ những yếu tố khác. Cụ thể là hình ảnh hạt gạo Việt Nam sẽ được các nước khác đánh giá tốt hơn bởi EU vốn là thị trường có tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, quy tắc xuất xứ…", lãnh đạo một doanh nghiệp gạo cho biết.
Nhờ xuất khẩu tích cực, việc thu mua lúa tại nội địa cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những ngày qua cũng được ghi nhận luôn giữ ở mức cao. Hiện lúa tươi Jasmine đang được thu mua ở mức 6.300 đồng/kg; giá lúa IR 504 ở mức 6.000 đồng/kg; đài thơm 8 có giá 6.300 đồng/kg… Trong khi thời điểm giữa tháng 7/2020 giá lúa Jasmine là 6.000 đồng/kg; IR 504 là 5.200 đồng/kg; lúa đài thơm 8 có giá 5.900 đồng/kg…
Mặc dù EVFTA đã mang lại những tín hiệu tích cực cho ngành gạo Việt Nam, tuy nhiên theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, để khai thác tích cực hiệu quả của hiệp định này thì còn rất nhiều thứ phải làm. Theo đó, loại gạo ST20 có giá xuất khẩu 1.000 USD/tấn là loại gạo thơm, dẻo có lượng đường cao trong khi thị trường châu Âu không chuộng đặc tính này. Với loại gạo Jasmine là dòng gạo thơm, với điều kiện thổ nhưỡng tốt thì chất lượng luôn được chấp nhận - bởi đây là giống chuẩn của USDA. Tuy nhiên gạo Jasmine trồng ở Việt Nam hiện nay đang bị dư lượng phân bón và hoá chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Do đó để có thể tận dụng tối đa lợi thế từ Hiệp định EVFTA cũng như khẳng định được chất lượng của gạo Việt, GS-TS Võ Tòng Xuân đề xuất: Chúng ta nên quy hoạch những vùng trồng lúa chất lượng cao với quy mô lớn và sản xuất theo tiêu chuẩn mà những thị trường khó tính như EU, Mỹ… đề ra để ngành gạo phát triển bền vững hơn.
Nguồn: Báo Công thương
Link nguồn
-
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 7/2020, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vẫn giảm gần 17% so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 357 triệu USD.
-
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình sản xuất, nhu cầu tiêu thụ lúa gạo.
-
Chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, sẽ hỗ trợ cơ sở sản xuất - kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và hỗ trợ phát triển sản xuất
-
Doanh nghiệp ôtô trong nước sẽ được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.