VITIC
Thị trường trong nước

FTA mở cửa thị trường cho ngành sữa Việt Nam

18/05/2023 13:53

Ngành sữa Việt Nam đã có bước phát triển khá vững chắc thời gian qua, triển vọng còn rất lớn khi nền kinh tế hội nhập, tham gia các Hiệp định thương mại tự do.
 
Ngành sữa Việt Nam đã có bước phát triển khá vững chắc thời gian qua, triển vọng còn rất lớn khi nền kinh tế hội nhập và tham gia cácHiệp định thương mại tự do (FTA). Đây là chia sẻ của ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam với phóng viên Báo Công Thương.
 
Xin ông cho biết, ngành sữa đã có bước phát triển và phục hồi như thế nào sau đại dịch Covid-19?
 
Mặc dù khó khăn vì dịch Covid-19, doanh thu thị trường sữa Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 113.700 tỷ đồng và năm 2021 ước đạt 119.300 tỷ đồng. Tăng trưởng doanh thu ngành sữa chủ yếu nhờ vào 2 mảng chính là sữa bột và sữa nước. Cụ thể, sản lượng sữa nước của cả nước năm 2021 ước đạt 1.770,1 triệu lít, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng sữa bột tính chung năm 2021 đạt 151,5 nghìn tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Trong nhiều năm qua, một số doanh nghiệp đã chủ động xúc tiến tìm thị trường xuất khẩu sang các quốc gia. Hiện, sản phẩm sữa Việt Nam đã xuất khẩu tới 50 quốc gia, vùng lãnh thổ; kim ngạch xuất khẩu sữa tăng lên trong các năm 2020 - 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt gần 300 triệu USD. Như chúng ta thấy, sữa là sản phẩm đặc biệt, các thị trường xuất khẩu luôn quan tâm và đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu. Cho nên, việc xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn của thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, Trung Quốc là thành công rất lớn của ngành sữa Việt Nam.
 
Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, nhất là khi chúng ta đang tham gia, thực thi nhiều FTA. Ông có thể dự báo về cơ hội của ngành sữa?
 
Sự phát triển của ngành sữa thời gian qua, nhất là việc có mặt ở nhiều thị trường quốc tế, chính là một kỳ tích đối với ngành sữa Việt Nam. Để có được thành công này, ngoài nỗ lực của ngành sữa, còn nhờ sự hỗ trợ và công sức rất lớn của một số bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương trong việc kết nối thị trường; hỗ trợ xúc tiến thương mại. Bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, chiến lược của ngành sữa Việt Nam là từng bước phát triển bền vững, theo hướng hiện đại, đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tạo khả năng cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của xã hội.
FTA mở cửa thị trường cho ngành sữa

 

Đặc biệt, do một số thị trường tiềm năng như Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành sữa đang đặt kỳ vọng rất lớn vào các FTA để tiếp tục duy trì mở rộng thêm thị trường tiềm năng khác. Vì thế, có thể khẳng định, các FTA chính là lực đẩy quan trọng để ngành sữa tăng trưởng xuất khẩu sau đại dịch Covid-19, đưa thương hiệu sữa Việt Nam hiện diện tại nhiều thị trường thế giới. Trên cơ sở này, doanh nghiệp đang đặt kỳ vọng rất lớn vào các FTA và mong muốn các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, tạo điều kiện để doanh nghiệp sữa khai thác hiệu quả các FTA, nắm bắt được cơ hội xuất khẩu, tiếp cận thêm thị trường mới.
 
Trước nhu cầu phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid-19, theo ông, các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ đóng vai trò như thế nào?
 
Với bất cứ ngành hàng nào, trong đó có ngành sữa, hoạt động xúc tiến thương mại luôn đóng vai trò rất quan trọng. Ngay trong đại dịch Covid-19, hoạt động này vẫn được duy trì, thúc đẩy thông qua việc chuyển đổi phương thức tổ chức truyền thống trực tiếp sang trực tuyến. Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đã giúp doanh nghiệp cũng như toàn ngành sữa chống đỡ trước sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong giai đoạn phục hồi phát triển, duy trì phương thức xúc tiến thương mại trực tuyến; các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp sẽ được ngành sữa đẩy mạnh thông qua các hoạt động giao thương, triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước.
 
Để thực hiện mục tiêu này, tới đây, Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng sẽ tổ chức "Triển lãm Quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 3" nhằm tạo cầu nối, giúp các doanh nghiệp tăng cường quan hệ trao đổi thương mại, khoa học - kỹ thuật với các đối tác trong và ngoài nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành sữa Việt Nam. Với hơn 200 doanh nghiệp tham gia sự kiện, trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp, thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế đã vượt qua đại dịch thành công và họ đang có nhu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới nhằm đáp ứng được đòi hỏi của thị trường cũng như xuất khẩu... Đây sẽ là hoạt động xúc tiến thương mại hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.


 

Nguồn: Báo Công thương điện tử
 

Xem thêm thông tin về thị trường xuất nhập khẩu sữa của Việt Nam tại đây;

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.100.360