EU gia tăng tần suất kiểm tra đối với nông sản Việt Nam
Thông tin tại Hội nghị tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP tổ chức mới đây tại TP. HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024 các Thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ban hành 551 thông báo và thông báo dự thảo biện pháp SPS, ít hơn con số 566 thông báo của 6 tháng đầu năm 2023.
Trong đó, các quốc gia/khu vực là đối tác thương mại xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chính của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các quốc gia thuộc khối ASEAN... đã ban hành 335 thông báo (chiếm 61%).
Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU - Ảnh: Báo Đầu tư
Trong nửa đầu năm nay, Liên minh châu Âu (EU) là khu vực thị trường đứng đầu với số lượng cảnh báo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật với nông sản tăng bất thường gần 20%, nhiều nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam.
Riêng Việt Nam nhận 57 cảnh báo liên quan tới quy định SPS từ EU trong nửa đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng hơn 80%. Trong số này, TP.HCM chiếm nhiều nhất, với 23 cảnh báo.
Các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản bị EU cảnh báo của Việt Nam thời gian qua bao gồm: Rau, quả, gia vị và sản phẩm có nguồn gốc thực vật (Thanh long, ớt, quế, đậu bắp, chôm chôm,…); Sản phẩm thủy sản (cá, mực, tôm, ếch, ngao…); Sản phẩm chế biến khác (Tinh dầu húng quế, mứt dừa, bánh phở…)...
Việc EU tăng số lượng cảnh báo khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản tăng. Hiện Việt Nam còn 4 mặt hàng phải chịu kiểm tra biên giới với tần suất: thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%), sầu riêng (10%).
Nguyên nhân khách quan là xu thế các quốc gia/vùng lãnh thổ gia tăng các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) đối với nông sản thực phẩm và thủy sản nhập khẩu; xu thế sử dụng các sản phẩm an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sản phẩm khai thác hợp lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm giảm phát thải, sản phẩm dựa trên giá trị, sản phẩm xanh...
Đối với nguyên nhân chủ quan trong nước đến từ 4 đối tượng/ công đoạn chủ yếu, bao gồm: vùng trồng; vùng nuôi thủy sản; cơ sở đóng gói/sơ chế/chế biến; cơ quan quản lý.
Nhiều vùng trồng chưa tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức MRL (mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép) đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau. Việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu và am hiểu khoa học, kỹ thuật. Ngoài ra, theo thói quen từ trước, người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn. Việc kiểm soát sinh vật gây hại, kiểm soát các nguồn tác động chưa đạt yêu cầu.
Vùng nuôi thủy sản còn lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, thiếu hiểu biết về vi khuẩn gây bệnh, môi trường nuôi bị ô nhiễm bởi các nguồn như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học,…
Với các cơ sở đóng gói/sơ chế/chế biến, quy trình đóng gói/sơ chế/chế biến; kiểm tra nguyên liệu đầu vào; tuân thủ quy trình HACCP; tuân thủ các biện pháp SPS về phụ gia thực phẩm, an toàn thực phẩm đối với bao bì sản phẩm… vẫn còn tồn tại, hạn chế.
EU là thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng bất thường về số lượng cảnh báo từ thị trường này. Tổng cộng, có 57 hoạt chất thường bị EU kiểm soát mà doanh nghiệp, người nông dân cần đặc biệt chú ý, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2023.
Sự gia tăng này dẫn đến việc EU tăng cường tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam. EU định kỳ rà soát và áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra và quản lý nhập khẩu mỗi 6 tháng. Nếu không có giải pháp kịp thời, nông sản thực phẩm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị tăng cường kiểm tra biên giới theo quy định của EU, ảnh hưởng đến tiến trình xuất khẩu và tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Quang Chiến (VITIC) tổng hợp
-
Tiếp tục chương trình công tác tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, ngày 9/8, Đoàn Công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại và việc triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
-
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.
-
Sáng ngày 6/8/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp về việc chuẩn bị tiếp nhận Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) về Bộ Công Thương.
-
Chiều ngày 6/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đồng chủ trì cuộc họp thảo luận về đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.