Đưa ra các giải pháp đúng và trúng để hỗ trợ doanh nghiệp, bình ổn thị trường trong nước
Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc với Cục Công nghiệp diễn ra vào chiều 26/2 tại trụ sở Bộ Công Thương, nhằm đánh giá tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (Covid-19) lên ngành công nghiệp và sản xuất của Việt Nam.
Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ (Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Kế hoạch, Văn phòng Bộ…)
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vướng mắc lớn nhất đối với ngành sản xuất trong nước là nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào.
Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài báo cáo tại cuộc họp
Do đặc tính phân bổ và liên kết chặt chẽ của chuỗi giá trị toàn cầu khiến ngay cả các quốc gia có nền sản xuất phát triển, tỷ lệ nội địa hóa cao cũng đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất trong trường hợp thiếu một số linh phụ kiện để cấu thành nên sản phẩm. Chính vì vậy, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã bị ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất do dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc.
Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất. Trong đó, một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ngành điện – điện tử. Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện, phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020.
Bên cạnh đó, tác động của dịch Covid-19 còn tác động đến vướng mắc về vấn đề lao động và nguồn nhân lực, khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ.
Trung Quốc, cũng như một số quốc gia đang bùng phát dịch bệnh khác như Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, da – giày – túi xách, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động và linh kiện... “Vì vậy ảnh hưởng của dịch bệnh cũng sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu và thị trường tiêu thụ ngoài nước của các ngành hàng trên” ông Hoài cho hay.
Trước các khó khăn trên, Cục Công nghiệp đã trực tiếp làm việc cũng như gửi Văn bản đề nghị cung cấp thông tin, đề xuất tới các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp lớn trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19 tới các ngành sản xuất trong nước. Trên cơ sở đó, tổng hợp báo cáo với Bộ Công Thương và Chính phủ.
Cục Công nghiệp đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương liên quan làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc cũng như cấp Trung ương Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm nguồn cung cấp nguồn nguyên phụ liệu thay thế. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da – giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.
Các Bộ, ngành xem xét các chính sách gia hạn thời gian trả nợ các khoản vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, chính sách miễn, giảm thuế, hoàn thuế VAT sớm, cho phép chậm nộp thuế hoặc không tiến hành xử phạt chậm nộp thuế đối với các doanh nghiệp chưa nộp thuế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hỗ trợ doanh nghiệp trả chi phí bảo hiểm xã hội cho người lao động trong trường hợp phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh. Xem xét hoàn trả tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư cho các dự án đang tiến hành triển khai, chưa đi vào hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, chúng ta cần làm việc nhiều hơn với từng hiệp hội ngành hàng, để tìm hiểu tác động cụ thể như thế nào, có sự tính toán để có kịch bản xử lý trong ngắn hạn, dài hạn, hỗ trợ một cách hiệu quả nhất cho doanh nghiệp. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng cần xác định cụ thể những mặt hàng, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất đang cần ưu tiên tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Cùng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ thêm, chúng ta có thể làm với hiệp hội doanh nghiệp hoặc với từng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, các địa phương có nhiều doanh nghiệp để tìm hiểu các giả pháp hỗ trợ. Đừng để khi doanh nghiệp quá yếu mới hỗ trợ vì lúc đó không còn tác dụng nữa. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để thu hút đầu tư vào Việt Nam, nhất là ở các lĩnh vực mà chúng ta cần như nguyên vật liệu, công nghiệp hỗ trợ... Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước kịp thời và phù hợp với nguồn lực của Nhà nước hiện nay.
Sau khi nghe ý kiến của các Vụ chức năng và các ý kiến của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm thị trường.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo Cục Công nghiệp cần phải làm tốt hơn việc đánh giá các khó khăn cũng như đặc thù của từng khu vực doanh nghiệp để từ đó phối hợp cùng các Bộ, ngành đưa ra các giải pháp đúng và trúng để hỗ trợ doanh nghiệp, bình ổn thị trường trong nước.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, điều quan trọng hơn cả là tác động của Covid-19 với ngành công nghiệp không chỉ trực tiếp trước mắt, mà còn sẽ tác động gián tiếp cả trong tương lai, bởi thay vì dừng lại ở Trung Quốc thì dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp và mở rộng đến Hàn Quốc, Nhật Bản hay các nước khác tại Châu Á, Bắc Mỹ… Đây đều là những thị trường đầu vào và đầu ra quan trọng của công nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng cũng cho rằng đây chính là thời điểm ngành công nghiệp trong nước nhìn lại vị trí trong liên kết chuỗi của mình, từ đó có định hướng tái cơ cấu hợp lý, tăng cường nội lực về công nghiệp hỗ trợ để chủ động nguồn cung lâu dài, tránh phụ thuộc vào một số thị trường đầu vào nhất định.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần đánh giá lại dư địa của thị trường trong nước và các thị trường quốc tế, đặc biệt nắm bắt cơ hội từ các thị trường tại EU sau khi EVFTA có hiệu lực, cộng hưởng với CPTPP để mở rộng đầu ra cho sản phẩm công nghiệp trong nước.
Trên cơ sở này, Bộ Công Thương đang xây dựng và sẽ sớm ban hành chương trình hành động để ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19 trên nhiều lĩnh vực. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, những giải pháp này sẽ “mang tính tổng thể, gắn với đảm bảo mục tiêu kép về phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ”.
“Việc ứng phó với Covid-19 không chỉ dừng ở đây, mà phải tính đến giải pháp khôi phục và phát triển mạnh mẽ hơn ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung sau khi dịch bệnh kết thúc, dù đó là ở thời điểm nào”, Bộ trưởng nhấn mạnh, yêu cầu Vụ Kế hoạch chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ xây dựng các kịch bản đảm bảo phòng chống dịch bệnh đồng thời giữ vững mục tiêu tăng trưởng chung của Chính phủ, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trong Bộ cũng phải bám sát diễn biến của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp. Từ đó, xây dựng các kịch bản tốt, xấu, rất xấu. Từ các kịch bản này, đưa ra tác động tới nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng để có giải pháp cụ thể, chính xác. “Chúng ta không trầm trọng hóa vấn đề song vẫn phải chủ động, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại cuộc họp.
Nguồn: Moit.gov
-
(VITIC-DNTM) Sáng ngày 26/2, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục Thuế khu vực thuộc 63 Cục Thuế tỉnh, thành phố.
-
Ngày 25 tháng 2 năm 2020, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã có Đoàn công tác do Cục trưởng Phan Văn Chinh dẫn đầu làm việc, kiểm tra tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới của tỉnh Lạng Sơn và làm việc với Sở Công Thương của tỉnh về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19.
-
Ngày 25/2, báo cáo về giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 với hai mục tiêu vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội tại cuộc của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công Thương đã và đang quyết liệt thực hiện hai nhóm giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn.
-
Bộ Công Tương cập nhật thông tin mới nhất về số liệu, tình hình giao nhận hàng hóa tại một số cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc ngày 24/02/2020 và lượng hàng hóa còn tồn tại ở các cửa khẩu cụ thể như sau: