Đưa nông sản Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường Úc
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Úc phục hồi tích cực, trong đó đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh (tăng 31,1% trong 5 tháng đầu năm). Việt Nam và Úc có nhiều dư địa để gia tăng thương mại song phương, đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng chiến lược vào thị trường của nhau.
Thời gian qua, hai nước duy trì hiệu quả trên 20 cơ chế hợp tác song phương với nhiều kết quả tích cực. Hợp tác kinh tế-thương mại được duy trì ổn định, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt gần 14 tỷ USD. Hai nước hiện đang là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Đáng chú ý, hiệu quả của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là 03 Hiệp định FTA quan trọng (CPTPP, RCEP, AANZFTA) khi Việt Nam và Úc đều là thành viên với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan khi thuế suất hầu hết các mặt hàng xuất khẩu vào Úc đều đã về mức 0%.
Ảnh minh họa
Về phía chính phủ, Việt Nam luôn có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu như miễn thuế xuất khẩu, cho phép tiếp cận nguồn vốn kinh doanh lãi suất thấp, thông tin, chính sách… Bộ Công Thương và các đơn trực thuộc (Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Xúc tiến Thương mại, Cục Xuất nhập khẩu…) cũng hỗ trợ tối đa nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục giao cho Cục Xúc tiến thương mại triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Úc. Điều này sẽ giúp hoạt động xuất nhập khẩu song phương gia tăng, dự kiến đạt con số tăng trường khoảng 5-10% trong năm tới.
Đánh giá cao triển vọng của nông sản Việt tại Úc, đại diện thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết các mặt hàng nông sản như cà phê, gạo, gia vị, trái cây... của Việt Nam đang có tiềm lực rất lớn. Trong khi, các mặt hàng nông sản giữa hai quốc gia không có sự trùng lặp. Không chỉ vậy, Việt Nam và Úc còn có lợi thế về các tuyến vận tải thương mại thuận lợi, cả đường thủy lẫn đường hàng không. Đặc biệt, việc hai bên cùng tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương mang đến ưu đãi thuế quan đáng kể, giúp nông sản Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh tại thị trường Úc, góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt tại xứ sở chuột túi.
Để rộng cửa cho nông sản Việt vào Úc, trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Úc sẽ tích cực phối hợp, hỗ trợ Cục Xúc tiến thương mại và một số đơn vị, cơ quan chức năng tìm hiểu, xác thực thông tin liên quan tới năng lực, uy tín của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức kinh tế tại Úc có hoạt động giao thương, kết nối, làm ăn với cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam, qua đó, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam trong thương mại quốc tế. Đồng thời, triển khai các công tác thường xuyên của Thương vụ như nắm bắt thông tin thị trường, chủ động nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại thường xuyên, tăng cường tìm kiếm thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, liên tục cập nhật, cung cấp thông tin mới nhanh, kịp thời lên các kênh thông tin, nền tảng trực tuyến, ứng dụng công nghệ của Thương vụ, kịp thời chuyển tải đến các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội chủ động nắm bắt.
Nhằm thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Úc, theo thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại, trong năm 2024, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại sẽ triển khai hai đề án tại thị trường Úc, gồm: Đề án "Tổ chức tham gia Hội chợ International Sourcing Expo Australia kết hợp khảo sát thị trường dệt may Australia " do Hiệp hội Dệt may Việt Nam làm đơn vị chủ trì, dự kiến triển khai vào tháng 11-2024 tại thành phố Melbourne, Úc; Đề án "Tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại Australia và New Zealand" do Hiệp hội Cao su Việt Nam làm đơn vị chủ trì, dự kiến triển khai vào quý IV-2024 tại Úc và New Zealand. Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam tại Úc trong quá trình cung cấp thông tin cập nhật về tình hình thị trường Úc; những cơ hội, thách thức khi xuất khẩu sang thị trường này. Đồng thời đưa ra những khuyến nghị hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường năng lực, sức cạnh tranh, thương hiệu để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa nước ta sang thị trường Úc.
Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp
-
Viện Đánh giá Rủi ro Liên bang Đức (Bundesinstitut für Risikobewertung, BfR) đã ban hành năm khuyến nghị sửa đổi đối với silicone tiếp xúc với thực phẩm, giấy và bìa, cũng như lớp phủ polymer chịu nhiệt cho đồ dùng sử dụng ở nhiệt độ cao.
-
Ngày 27/8/2024, Ủy ban về Rào cản Kỹ thuật trong Thương mại công bố dự thảo tiêu chuẩn bắt buộc (GB) của Cục Quản lý thị trường Nhà nước Trung Quốc (Cục Tiêu chuẩn hóa Trung Quốc) đối với vật liệu trang trí và cải tạo nội thất – Giới hạn các chất độc hại trong thảm, lớp lót thảm, chất kết dính và sàn polyvinyl clorua. Quy định này được cáp dụng đối với các sản phẩm có mã HS 391810 và HS 57.
-
Mexico là nền kinh tế lớn thứ hai ở Mỹ Latinh. Mexico có nền kinh tế định hướng xuất khẩu: hơn 90% thương mại được thực hiện theo các hiệp định thương mại tự do. Đại dich Covid-19 tác động đến nền kinh tế thế giới nói chung và Mexico nói riêng, Năm 2020, GDP Mexico chỉ đạt 1.120 tỷ USD
-
Vương quốc Anh thông báo quy định số 685/2024 về phụ gia thực phẩm và cấp phép đối với thực phẩm. Theo đó, quy định cho phép bốn loại thực phẩm mới và ba chất phụ gia thực phẩm được phân phối trên thị trường và được sử dụng trong thực phẩm tại Anh