Quá trình xây dựng, hoàn chỉnh Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Ngày 27 tháng 7 năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 17/2021/QH15 về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật với tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Ngay sau đó, ngày 24 tháng 8 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1427/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022. Bộ Công Thương được giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Quá trình xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo Luật) đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiến hành từ tháng 8 năm 2021 theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các yêu cầu đặt ra của Quốc hội khóa XV. Theo đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã cùng cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật này là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tiến hành đa dạng, đồng bộ nhiều hoạt động lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Luật bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Ngày 26 tháng 9 năm 2022, Chính phủ đã chính thức trình Quốc hội Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 năm 2022. Tại đây đã có 148 lượt Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở tổ và 23 lượt Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại hội trường. Đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của Dự thảo Luật.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tóm tắt về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội
Ngay sau kỳ họp này, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường liên tục tổ chức 23 phiên làm việc, cùng với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan như các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, .... để thảo luận, tiếp thu và giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội đối với Dự án Luật. Rất nhiều hội thảo xin ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp (phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học (phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cũng đã được tổ chức liên tục, gấp rút trong những tháng cuối năm 2022 cho đến nay (tháng 5/2023).
Dự thảo Luật bám sát các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đảm bảo cơ sở lý luận và thực tiễn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật.
Dự thảo đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Công Thương và trên nhiều website, ứng dụng, sàn giao dịch thương mại điện tử. Dự thảo đã được lấy ý kiến rộng rãi và đầy đủ của hầu hết các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Tổ chức chính trị - xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hội Luật sư, Hiệp hội ngành nghề, Viện nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan khác của cả trong và ngoài nước. Các ý kiến đóng góp đã được cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật với chất lượng cao nhất.
Bên cạnh đó, để phục vụ quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bên liên quan tiến hành thực hiện nhiều báo cáo nghiên cứu tổng kết việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và rà soát các quy định của pháp luật, tổng kết kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chủ trì các hội thảo, toạ đàm với các chuyên gia nước ngoài, đồng thời tổ chức các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực thi hiệu quả pháp luật và chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với một số quốc gia trên thế giới và trong khu vực ASEAN.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân làm rõ một số nội dung trong Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện Dự án Luật này
Dự thảo Luật cũng đã được rà soát kỹ lưỡng, liên tục được hoàn thiện để thể chế hoá đầy đủ các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng trong phát triển công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các Chỉ thị của Đảng như Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.
Dự thảo Luật liên tục được hoàn chỉnh để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và tính khả thi cao trong thực tiễn
Ngay sau kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Các cơ quan này đã nhanh chóng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội; tổ chức các cuộc làm việc với nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan (Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Tư pháp, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Tài chính; Tòa án nhân dân tối cao; Thường trực các Ủy ban: Pháp luật, Tư pháp,…); tổ chức hội thảo lấy ý kiến các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh; phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; …
Ngày 15 tháng 02 năm 2023, tại phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận một số nội dung như: Đánh giá cao cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã chủ động, tích cực tiếp thu, giải trình ý kiến của các Đại biểu Quốc hội; các tài liệu báo cáo được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; đề nghị các cơ quan có liên quan tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến hoàn thiện thêm.
So với dự thảo Chính phủ trình Quốc hội vào cuối tháng 9 năm 2022, dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 này (dự kiến ngày 26/5/2023 Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự thảo) gồm: 07 Chương với 79 Điều; theo đó: đã sửa đổi, bổ sung 63 Điều (bao gồm các Điều được bỏ, chuyển nội dung sang Điều khác, bổ sung 02 Điều), giữ nguyên 16 Điều; và bổ sung khoản 5 của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Như vậy, Dự thảo lần này so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 (gồm 06 Chương với 51 Điều) đã tăng thêm 01 Chương (Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù), chỉ giữ nguyên 01 Điều, sửa đổi 50 Điều và bổ sung mới 27 Điều. Dự thảo Luật bao gồm các Chương cụ thể như sau:
- Chương I - Những quy định chung: Gồm 13 Điều (từ Điều 1 đến Điều 13).
- Chương II - Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng: Gồm 23 Điều (từ Điều 14 đến Điều 36).
- Chương III - Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù: Gồm 11 Điều (từ Điều 37 đến Điều 47).
- Chương IV - Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội: Gồm 6 Điều (từ Điều 48 đến Điều 53).
- Chương V - Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh: Gồm 20 Điều (từ Điều 54 đến Điều 73).
- Chương VI - Quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Gồm 04 Điều (từ Điều 74 đến Điều 77).
- Chương VII - Điều khoản thi hành: Gồm 02 Điều (từ Điều 78 đến Điều 79).
Các điều, khoản đã được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở rà soát, đánh giá, đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và bám sát 7 nhóm Chính sách lớn đã được Quốc hội thông qua theo Nghị quyết số 17/2021/QH15, cụ thể:
Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật;
Chính sách 2: Hoàn thiện quy định về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;
Chính sách 3: Hoàn thiện quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp và vai trò hỗ trợ của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội;
Chính sách 4: Hoàn thiện quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, có tính mới;
Chính sách 5: Hoàn thiện quy định về các loại hình giao dịch, khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững;
Chính sách 6: Hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước;
Chính sách 7: Hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang được trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 trong tháng 5 và tháng 6 năm 2023.
Nguồn: Ủy ban cạnh tranh quốc gia