VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại

16/02/2023 11:06

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước,chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách.

Rút ngắn thời gian, chi phí thông quan hàng hóa

Tổng cục Hải Quan vừa ban hành Chỉ thị về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.


Công chức Cục Hải quan Đồng Nai - Tổng cục Hải quan kiểm tra mã hàng hoá xuất, nhập khẩu

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 là 425.000 tỷ đồng. Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 được xây dựng trên cơ sở dự kiến các chỉ tiêu kinh tế như: Tốc độ tăng trưởng GDP 6-6,5%; giá dầu thô 70 USD/thùng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8-9%; kim ngạch nhập khẩu tăng từ 7-8%.

Căn cứ Thông tư số 78/2022/TT-BTC ngày 26/12/2022 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các nhiệm vụ.

Cụ thể, quán triệt, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 12/01/2023 của Ban cán sự đảng Bộ Tài chính về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2023.

Cùng với đó, triển khai Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”; Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, tạo thuận lợi thương mại và các hoạt động xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian, chi phí thông quan hàng hóa.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan quán triệt đến toàn thể cán bộ công chức nâng cao nhận thức, ý nghĩa tầm quan trọng của công tác cải cách, hiện đại hóa gắn liền với nâng cao hiệu quả của công tác quản lý trong quá trình thực thi công vụ; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030, hướng tới mục tiêu tổng quát là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh.

Nhiệm vụ tiếp theo đó là tập trung nguồn lực cải cách thể chế pháp luật về hải quan theo hướng hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế và định hướng phát triển Hải quan.

Triển khai các đề án, chương trình công tác trọng tâm năm 2023 ban hành kèm theo Quyết định số 94/QĐ-TCHQ ngày 18/01/2023 đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng, đặc biệt là các đề án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng trình tự, thủ tục, là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh và cải cách hành chính trong lĩnh vực Hải quan, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan.

Trình cấp có thẩm quyền ban hành: Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Nghị định quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua biên giới; Nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia…

Tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển Hệ thống Công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN theo hướng xử lý tập trung.

Đẩy mạnh và tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác chuyển đổi số ngành Hải quan với trọng tâm là triển khai Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số, trong đó ưu tiên khẩn trương triển khai Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động nghiệp vụ hải quan giai đoạn trong thông quan.

Nâng cao hiệu quả công tác chống gian lận, giả mạo xuất xứ

Đặc biệt, tăng cường chống thất thu qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế phát sinh trước ngày 01/01/2023 đồng thời không để phát sinh nợ mới trong năm 2023 qua công tác thanh tra, kiểm tra.

Theo đó, tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể sau đây: Về số lượng, trọng lượng, chủng loại, tên hàng hoá: Căn cứ tình hình hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thực tế từng thời điểm và chính sách quản lý, chính sách thuế để xác định các nhóm hàng, mặt hàng trọng điểm có rủi ro cao trong khai báo về số lượng, trọng lượng, chủng loại, tên hàng hoá và đưa những doanh nghiệp có rủi ro cao trong hoạt động xuất nhập khẩu vào luồng vàng, luồng đỏ để thực hiện kiểm tra tại khâu thông quan nhằm ngăn chặn tình trạng khai báo sai số lượng, trọng lượng, chủng loại và tên hàng với mục đích gian lận, trốn thuế; tăng cường sử dụng máy soi, chiếu để phát hiện bước đầu các nghi vấn.

Về trị giá hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu: Thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để tăng cường công tác quản lý trị giá hải quan cả trong thông quan và sau thông quan; ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp kê khai trị giá hải quan bất hợp lý để gian lận, trốn thuế; trong đó tập trung quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu có thuế suất cao như hàng hóa là tài nguyên, khoáng sản thô, phế liệu kim loại; hàng hóa nhập khẩu là hàng tiêu dùng có thuế suất nhập khẩu cao, hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc tự vệ, thuế chống bán phá giá…

Về phân loại hàng hoá, áp dụng mã số và mức thuế: Thường xuyên rà soát để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các trường hợp cùng một mặt hàng nhưng kết quả phân tích, phân loại không thống nhất trong phạm vi Chi cục, Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Cục Kiểm định Hải quan.

Về xuất xứ hàng hoá: Tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống gian lận, giả mạo xuất xứ; chuyển tải bất hợp pháp để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp, trong đó tập trung triển khai các nội dung liên quan đến mặt hàng xuất khẩu/nhập khẩu hoặc thị trường cụ thể và ban hành các văn bản chỉ đạo (nếu cần thiết) về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả chống gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ; ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

 

Nguồn: Báo Công thương điện tử

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.008.229