Đối thoại Việt Nam - EU: Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững
Sáng 30/6, Bộ Công Thương và Phái đoàn EU tại Việt Nam đã tổ chức Đối thoại chính sách Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam – EU.
Chương trình có sự tham dự của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EU) Giorgio Aliberti đồng chủ trì chương trình đối thoại.
Chương trình đối thoại gồm 3 phần: Các chính sách về năng lượng; kinh tế vĩ mô, quản lý tài chính công và minh bạch ngân sách; tổng kết và các vấn đề khác.
Đối thoại Việt Nam - EU về Chương trình Chuyển dịch năng lượng bền vững diễn ra sáng 30/6 tại trụ sở Bộ Công Thương. Ảnh Cấn Dũng
Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam – EU (SETP), với khoản viện trợ ODA không hoàn lại trị giá 142 triệu Euro khẳng định sự hợp tác chặt chẽ và cam kết lâu dài của EU cho mục tiêu chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam hướng đến phát thải bằng 0 vào năm 2050. Nguồn ODA của Chương trình sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam triển khai các nhiệm vụ thuộc: Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3); Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (REDS); Hệ thống Thông tin năng lượng Việt Nam (VEIS).
Phát biểu tại chương trình đối thoại, Đại sứ EU Giorgio Aliberti cho biết: Đây là một phần của quy trình phê duyệt giải ngân lần thứ hai, phái đoàn EU tại Việt Nam phải nộp hồ sơ giải ngân cho Ban chỉ đạo chiến lược của Ủy ban châu Âu, hồ sơ giải ngân mà Phái đoàn EU tại Việt Nam chuẩn bị trên cơ sở yêu cầu giải ngân và các tài liệu hỗ trợ nhận được từ Bộ Công Thương.
Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti phát biểu tại chương trình đối thoại. Ảnh Cấn Dũng
Tại chương trình, phía Phái đoàn EU tại Việt Nam đã có đánh giá các điều kiện chung liên quan đến chính sách ngành năng lượng, đồng thời đánh giá cao và chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã thông qua Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) và cam kết của Chính phủ đối với Đối tác Chuyển đổi năng lượng (JETP) vào tháng 12/2022
Phái đoàn EU đã đưa ra các câu hỏi liên quan đến các nội dung như: Công tác triển khai Quy hoạch điện VIII; vai trò của Bộ Công Thương trong thực hiện JETP; công tác xây dựng Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch và thời gian xây dựng cơ chế phát triển năng lượng tái tạo; cơ chế tài chính trong nước cho việc sử dụng ngân sách của SETP và những vấn đề đặt ra; thông tin về việc sửa đổi Luật Điện lực và thời gian thực hiện; cùng một số vấn đề liên quan đến DPPA và hướng dẫn tư nhân tham gia lưới truyền tải; việc lồng ghép các mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 đã hoặc sẽ được lồng ghép vào chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP 3)...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã trả lời các vấn đề mà phía EU quan tâm liên quan đến lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý trong Chương trình SETP. Ảnh Cấn Dũng
Đại diện phía Việt Nam, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã thông tin chi tiết về tình hình kế hoạch thực hiện tiến độ xây dựng và trình phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050... cũng như tất cả các vấn đề được Phái đoàn EU tại Việt Nam quan tâm và đưa ra.
Bên cạnh đó, Phái đoàn EU tại Việt Nam cũng đã tiến hành đối thoại với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Nhà nước liên quan đến các vấn đề: Cải thiện hệ thống an sinh xã hội, chính sách tiền tệ, các giải pháp xử lý rủi ro của hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản; kinh tế vỹ mô, tài chính công và minh bạch ngân sách…
Kết thúc phiên họp đối thoại, Đại sứ EU Giorgio Aliberti cho biết, trên cơ sở các tài liệu yêu cầu giải ngân nhận được từ Bộ Công Thương và kết quả phiên đối thoại hôm nay, Phái đoàn EU tại Việt Nam dự định đề xuất với Uỷ ban châu Âu giải ngân 22 triệu EUR cho năm 2023 như cam kết tại Hiệp định tài chính đã ký kết.
Nguồn: Báo Công thương điện tử
-
GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023[2]. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế,
-
Sáng ngày 29/6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà,
-
Thông tin từ Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) vào sáng 29/6, lưu lượng, mực nước tại các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ tăng nhẹ so với ngày 28/6. Các hồ chứa lớn đang nâng cao mực nước.
-
Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường và của nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiến hành chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa