VITIC
Thị trường thế giới

Doanh nghiệp xuất khẩu rau, củ, quả tăng cường khai thác tiềm năng từ thị trường châu Á

20/03/2024 08:00

Thị trường châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và Trung Đông còn rất nhiều dư địa cho doanh nghiệp xuất khẩu rau, củ, quả Việt Nam khai thác. Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt cần chủ động tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn của các thị trường và đảm bảo nguồn cung chất lượng.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 02/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt trong năm 2024 đạt 459,5 triệu USD, giảm 38,7% so với tháng 01/2024; dự báo xuất khẩu rau, quả trong năm 2024 sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số so với năm 2023, kim ngạch dự kiến sẽ đạt khoảng 6,5 - 7 tỷ USD.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Với khu vực ASEAN, Việt Nam có lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, thời gian vận chuyển nhanh, giảm tối đa nguy cơ rủi ro ảnh hưởng tới chất lượng rau quả. Đây cũng là thị trường rộng lớn, tự do, nhiều ưu đãi với thuế nhập khẩu chỉ từ 0 - 5%; đồng thời, yêu cầu nhập khẩu không quá khắt khe. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý bởi trong khu vực ASEAN, cơ cấu sản phẩm nông nghiệp khá tương đồng, nếu chỉ tập trung vào việc xuất khẩu hoa quả tươi, sẽ có nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung vào chất lượng, giá cả và mẫu mã để tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị phần. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần ưu tiên phát triển các sản phẩm chế biến từ rau củ và xây dựng thương hiệu, mẫu mã bắt mắt phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Ngoài ra, rất nhiều thị trường tại khu vực châu Á cũng đang mở ra những cơ hội xuất khẩu tiềm năng và quý giá cho các doanh nghiệp rau, củ, quả của Việt Nam. Điển hình như UAE, đây là một quốc gia nhỏ, có dân số ít nhưng thu nhập bình quân đầu người thuộc top cao thế giới. Do điều kiện tự nhiên đặc thù, UAE chủ yếu phát triển công nghiệp và dịch vụ, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào lương thực, thực phẩm nhập khẩu. Ngoài phục vụ người dân trong nước, UAE còn là địa điểm trung chuyển, tái xuất khẩu hàng hoá đi các thị trường khác. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, nông sản Việt Nam có thể tận dụng thị trường này để tiếp cận các khu vực tiêu thụ rộng lớn hơn. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đang có nhiều lợi thế thúc đẩy xuất khẩu rau, củ, quả. Ngoài năng lực sản xuất, Việt Nam còn tham gia vào rất nhiều hiệp định thương mại tự do, các tổ chức quốc tế, mạng lưới liên kết uy tín trên toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi để đàm phán mở cửa cho các sản phẩm rau, quả vào nhiều thị trường khác nhau, đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường thế mạnh là châu Á. Thời gian tới, để khai thác hiệu quả dư địa thị trường, các doanh nghiệpcần có phương án tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành tốt với từng loại rau quả phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Tiêu chuẩn hóa quy trình trồng trọt đảm bảo giám sát các mối nguy mất an toàn thực phẩm từ trồng - chăm sóc - thu hoạch - sơ chế. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết, tổ chức sản xuất gắn thương mại và chế biến - tiêu  thụ trong nước và xuất khẩu.


 

Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.001.854