Doanh nghiệp Việt Nam – Mông Cổ tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển trên nhiều lĩnh vực mới
Ngày 24/4, tại thủ đô Ulaanbaatar, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Mông Cổ (MNCCI) tổ chức cuộc gặp gỡ doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Mông Cổ. Tham dự sự kiện có đại diện 19 công ty Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tư vấn luật, bảo hiểm, xây dựng, tự động hóa, nông nghiệp, sinh thái và du lịch và hơn 30 đại diện của 22 doanh nghiệp Mông Cổ.
Phát biểu tại buổi gặp, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mông Cổ Doãn Khánh Tâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước; nhấn mạnh vai trò nòng cốt của doanh nghiệp trong việc tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước trong tổng thể mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Mông Cổ.
Đoàn doanh nghiệp Việt Nam và đại diện Đại sứ quán chụp ảnh tại Bộ Kinh tế và Phát triển Mông Cổ (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Mông Cổ)
Đại sứ Doãn Khánh Tâm cho biết, theo thống kê của phía Việt Nam, kim ngạch thương mại hai nước năm 2023 đã đạt hơn 130 triệu USD. Để đạt được những kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của các hoạt động xúc tiến thương mại điển hình như các Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Mông Cổ được tổ chức tại Mông Cổ và Việt Nam trong các năm 2022, 2023 và Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Mông Cổ lần này do Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Mông Cổ tổ chức. Những hoạt động này đã giúp doanh nghiệp hai bên có cơ hội giao lưu trực tiếp, trao đổi thông tin, tìm hiểu về nhu cầu, tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên và trên cơ sở đó tăng cường mở rộng hợp tác; qua đó góp phần quan trọng trong việc tăng cường hợp tác, nâng cao kim ngạch thương mại giữa hai nước.
Theo nhận định của Đại sứ Doãn Khánh Tâm, với dân số trên 100 triệu dân, Việt Nam không phải là một thị trường nhỏ. Hiện nay, Việt Nam đang rất quan tâm và có nhu cầu lớn đối với nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt, xương gia súc từ Mông Cổ. Việt Nam sử dụng xương gia súc để chế biến làm thức ăn gia súc và phân bón cho nông nghiệp. Ngoài ra, việc nhập khẩu than và da từ Mông Cổ cũng như các nguyên tố đất hiếm cần thiết cho việc sản xuất ô tô điện như đồng, kẽm và nhôm hiện đang được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Để mở rộng hơn nữa hợp tác giữa Mông Cổ và Việt Nam, việc tăng cường hợp tác của ngành vận tải logitics hai nước đóng vai trò hết sức quan trọng.
Đại sứ Doãn Khánh Tâm cho biết thêm, các nhà nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đến Mông Cổ để nghiên cứu thảo dược và xác định rằng, trên thảo nguyên Mông Cổ có khoảng 3.000 loại thảo dược. Đây là nguồn nguyên liệu tiềm năng để sản xuất nhiều loại thuốc chữa bệnh.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Mông Cổ Ts. Magnaibaatar khẳng định, quan hệ hữu nghị truyền thống Mông Cổ và Việt Nam trong thời gian qua không ngừng phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại. Năm 2023, Mông Cổ đã xuất khẩu sang Việt Nam 5 triệu USD các sản phẩm thịt cừu, thịt dê, sản phẩm từ gia súc, ở chiều ngược lại, Mông Cổ đã nhập khẩu từ Việt Nam 115 triệu USD các mặt hàng như gạo, dầu đậu nành, các loại hạt đóng hộp, trái cây sấy khô và bao bì nhựa.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Mông Cổ Ts. Magnaibaatar cho biết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Mông Cổ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các đối tác Việt Nam để tăng cường hợp tác kinh tế thương mại, cân bằng kim ngạch thương mại, triển khai các dự án, chương trình chung, thúc đẩy đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, cũng như giải quyết các vấn đề vận tải logistic.
Có thể nói, sự kiện “Gặp gỡ doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Mông Cổ” là cơ hội để các doanh nghiệp hai nước trao đổi, tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại ngày càng phát triển, xứng với tiềm năng của hai nước.
Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp
-
Ngày 24/4, tại Hà Nội, Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ công bố thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia – HALCERT.
-
Sáng 23/4, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị triển khai, phổ biến Nghị định 32 và Nghị định 43 của Chính phủ.
-
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024.
-
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất hai miền Nam - Bắc, đưa non sông về một mối. Đây cũng là chiến thắng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc ta; mở ra thời kỳ mới - thời kỳ độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội.