Doanh nghiệp cần xác định tâm thế chủ động hội nhập
Tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là FTA thế hệ mới đang mở ra nhiều cơ hội, tuy nhiên, việc thực thi các FTA cũng đặt ra những thách thức cho nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước, đòi hỏi có sự tuân thủ luật chơi theo tiêu chuẩn cao để tận dụng được cơ hội và hạn chế tranh chấp thương mại.
Ông Lê Anh Văn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật, phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Các FTA đang mở ra nhiều lợi ích thiết thực, nhất là thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa cho DN
Với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, lợi ích xuất khẩu từ các FTA là dễ đo đếm nhất. Tuy nhiên, những kỳ vọng từ các FTA này không chỉ dừng lại ở đó, mà còn bao gồm cả hoàn thiện thể chế, mở cửa cạnh tranh cho nhiều ngành dịch vụ, thu hút đầu tư… Ông nhận định thế nào về điều này và các cơ hội từ các FTA đối với DN cũng như nền kinh tế?
Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đặc biệt là việc ký kết, thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích thiết thực, nhất là thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, thực thi các FTA sẽ mang lợi những cơ hội lớn cho những ngành, lĩnh vực sản xuất, chế biến được coi là thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, chế biến gỗ, hàng nông sản, thủy sản. Thực tế cho thấy, tỷ lệ xuất siêu của nhóm những mặt hàng này trong thời gian vừa qua kể từ khi một số FTA có hiệu lực đã có sự gia tăng đáng kể. Ngoài ra các FTA còn đem lại các giá trị xã hội như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao đời sống người lao động, người dân được hưởng lợi từ việc tiêu dùng các sản phẩm xanh, sạch, đẹp khi chúng ta thực hiện các cam kết.
Đối với cộng đồng DN nhỏ và vừa (DNNVV), các cam kết FTA cắt giảm sâu và nhanh mức thuế xuất với các hàng hóa dịch vụ giúp các DN nâng cao sức cạnh tranh, khi giá thành hàng hóa, sản phẩm được giảm xuống. Đặc biệt, việc thực thi các hiệp định FTA sẽ tạo áp lực thúc đẩy, cải cách thể chế, đổi mới hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tư duy quản lý. Điều đó tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, công khai được pháp luật đảm bảo, giúp DN yên tâm đầu tư. Đồng thời, các FTA cũng tạo động lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam, qua đó mang lại cơ hội cho các DNNVV liên doanh, liên kết, nhận chuyển giao, hợp tác chuỗi liên kết. Mặt khác, với các yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, làm cho DNNVV biết mình thiếu những thứ gì, soi vào đó để bù đắp, tự nâng cao năng lực.
Ông Lê Anh Văn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Tuy nhiên, dù nhận thức của DN về các FTA mặc dù đã có cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều dư địa. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Thực tế, nhận thức về cơ hội và thách thức từ các FTA của DNNVV vẫn còn khá ít ỏi, khiêm tốn. Ngoài ra, những khó khăn của DN trong việc khai thác FTA, đó là trình độ quản lý chưa đáp ứng với các yêu cầu quốc tế; DN hầu hết vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, tận dụng nhân công giá rẻ và nguyên liệu tại chỗ; mặt khác, hầu hết DN đều gặp thách thức trước các rào cản kỹ thuật trong các FTA như an toàn lao động, an toàn thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hạn chế năng lực tài chính, tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất. Đặc biệt, sức cạnh tranh của DN, hàng Việt còn thấp, dễ bị lấn át trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại. Với các FTA, Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn thị trường cho DN nước ngoài vào bán hàng và đầu tư với những ưu đãi. Rõ ràng các ngành kinh tế của Việt Nam rất dễ thua trên “sân nhà” nếu không có sự cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh.
Hiện nay, chính sách bảo hộ của một số thị trường xuất khẩu cũng như ảnh hưởng của đại dịch đến nền kinh tế thế giới, số lượng các vụ điều tra phòng vệ thương mại dự kiến gia tăng trong thời gian tới. Vậy, DN cần chủ động ứng phó như thế nào, thưa ông?
Đối với DNNVV, để đối phó với sự kiện pháp lý về PVTM, phòng ngừa các rủi ro pháp lý liên quan đến có thể bị khởi kiện, điều tra về PVTM, các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu cần chủ động trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, các quy định về PVTM trong các FTA mà Việt Nam và đối tác cùng tham gia, cần tìm hiểu thực tiễn điều tra PVTM của những nước mà DN xuất khẩu hàng hóa. Mặt khác, DN cần xây dựng bộ phận pháp chế, nâng cao hệ thống quản trị tiên tiến, lưu trữ hồ sơ chứng từ rõ ràng. Cũng như DN cần chủ động sử dụng công cụ “ vũ khí” PVTM để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trước hàng hóa nhập khẩu.
Ban đầu các vụ khởi xướng điều tra có thể bắt đầu với bị đơn là một DN hoặc một vài DN. Tuy nhiên nguy cơ thiệt hại cho cả một ngành hàng là rất lớn. Do vậy, vai trò của các Hiệp hội DN các tổ chức đại diện DN là rất lớn. Theo đó, các Hiệp hội cần chủ động khuyến cáo các thông tin về thị trường xuất khẩu cho hội viên để đánh giá nguy cơ nước ngoài điều tra áp dụng các biện pháp PVTM; thông báo kịp thời các thông tin liên quan đến nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM cho DN hội viên biết; xem xét cử đại diện Hiệp hội có tiếng nói, kiến nghị, tham gia bên liên quan trong các vụ việc điều tra về PVTM; hỗ trợ về thông tin, đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho hội viên về các quy định về PVTM theo pháp luật Việt Nam và các quy định về PVTM trong các FTA
Thới gian tới, nhằm giúp cộng đồng tận dụng và hiện thực hóa cơ hội từ các FTA, cần những chính sách, cơ chế hỗ trợ như thế nào từ cơ quan quản lý?
Trước hết, muốn tham gia vào sân chơi kinh tế quốc tế, DN cần nỗ lực tìm hiểu thị trường, tìm kiếm hướng đi và từ đó, chọn một phân khúc phù hợp với năng lực của mình. Xác định một tâm thế chủ động trước bối cảnh hội nhập, không ngừng chuyển đổi số, nâng tầm kỹ năng về quản trị, về văn hóa kinh doanh. Từ đó thay đổi phương thức sản xuất, theo hướng coi trọng những yếu tố đầu vào, lao động, các tiêu chuẩn sản xuất...
Còn về phía cơ quan quản lý, cần thúc dẩy hỗ trợ thông tin cho DN rộng rãi, đi vào chiều sâu. Trọng tâm là những thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật, nhu cầu nông sản, thói quen của người tiêu dùng; cung cấp thông tin kịp thời cho DN về những biến động của thị trường, tăng cường hoàn thiện thể chế, đổi mới hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch; thúc đẩy hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DN; thực hiện các Đề án, chương trình hỗ trợ để DN áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn phổ quát của các nước phát triển trên thế giới.
Ngoài ra, các tổ chức, hiệp hội đại diện DN cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hội viên trong các sự kiện pháp lý liên quan đến PVTM, tranh chấp đầu tư; cung cấp thông tin về diễn biến thị trường tới các DN, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hội viên. Đặc biệt, cần xây dựng các tiêu chí để khuyến khích thúc đẩy hội viên áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản xuất hàng hóa, như vấn đề an toàn lao động, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tổ chức bình xét, tôn vinh những DN hội viên tiêu biểu, có thành tích trong hội nhập để động viên và nhân rộng.
Xin cảm ơn ông!
Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 17 FTA. Việc ký kết và tham gia các FTA đã mở ra thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam rộng lớn chưa từng thấy; gia tăng thu hút đầu tư FDI, cải thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh… Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu qua thị trường của các hiệp định này luôn tăng trưởng, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Điển hình, Hiệp định CPTPP, sau 2 năm thực thi, Canada và Mexico là 2 thị trường tận dụng ưu đãi thuế quan cao nhất trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam. Về Hiệp định EVFTA, 9 tháng năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu sang EU tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng mức xuất siêu sang thị trường này lên 16,37 tỷ USD. Còn đối với Hiệp định UKVFTA, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Anh sau khi hiệp định có hiệu lực đã tăng trưởng cao.
Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn
-
Ngày 13 tháng 10 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BCT và Thông báo kèm theo về việc tiến hành rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép hình chữ H vào Việt Nam có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (mã vụ việc: ER01.AD03).
-
Ngày 2/11, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần 1, đợt 1 năm 2021 của hai huyện Hoài Đức và Quốc Oai.
-
Sáng ngày 01/11/2021, Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh Đắk Lắk năm 2021 đã tổ chức họp thống nhất các tiêu chí, thang điểm;
-
Theo báo cáo của UBND tỉnh, dù chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 song nhờ tập trung triển khai các giải pháp trong công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá, bảo đảm thông suốt cho việc lưu thông hàng hóa đã giúp hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh có nhiều khởi sắc.