Diễn đàn xuất khẩu 2024 mở ra cơ hội kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế cho doanh nghiệp Việt
Ngày 6/6, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Xuất khẩu năm 2024, với mục tiêu kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất mở rộng thị trường.
Toàn cảnh Diễn đàn Xuất khẩu 2024 - Ảnh: Báo Công thương
Diễn đàn Xuất khẩu 2024 là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đồng thời thu thập thông tin về xu hướng tiêu dùng và thay đổi trong thói quen tiêu dùng. Cùng với đó, diễn đàn cũng mang đến một môi trường hợp tác tích cực giữa doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác quốc tế, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế; đem đến cơ hội cho doanh nghiệp trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để vượt qua những thách thức, khó khăn trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển thị trường xuất khẩu.
Tại diễn đàn, các diễn giả đã đánh giá thực trạng xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm và đưa ra những khuyến nghị giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, trách nhiệm xã hội và môi trường, hướng đến mục tiêu sản xuất xanh bền vững. Diễn đàn cũng tập trung vào việc tìm hiểu khó khăn thực tế của doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng quốc tế.
Ngoài ra, bên lề Diễn đàn Xuất khẩu 2024, nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu cũng được triển khai hướng tới các thị trường trọng điểm và tiềm năng, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các chính sách thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà nhập khẩu và kênh phân phối quốc tế cũng được tăng cường, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới. Cụm gian hàng TP. Hồ Chí Minh tại sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2024) cũng góp mặt với sự tham gia của doanh nghiệp thuộc các ngành hàng lương thực - thực phẩm, dệt may - da giày, phụ kiện thời trang, đồ gia dụng, quà tặng, trang trí nội thất - ngoại thất; đáng chú ý hoạt động kết nối giao thương với các nhà mua hàng quốc tế như: Central Retail, Aeon, Walmart, Costco, Decathlon, Amazon, Coppel... đã được diễn ra, giúp các doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, tìm kiếm đối tác kinh doanh, hợp tác phát triển quan hệ thương mại và mở rộng thị trường trong nước.
Năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 được nhận định là khoảng thời gian đầy khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam. Với sự vào cuộc kịp thời và hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường có FTA đều có sự phục hồi tích cực. Các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) … cùng hàng loạt FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, thực thi trước đó đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam mạnh dạn bước ra thế giới.
Để đạt được những thành tích nổi bật đó, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của các hoạt động phát triển thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại với nhiều hình thức xúc tiến mới, phù hợp, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu và đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Ngày nay, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh không còn là lựa chọn mà đã trở thành con đường tất yếu đối với các doanh nghiệp. Các khách hàng, nhà đầu tư càng ngày càng đề cao các yếu tố xã hội, môi trường trong đánh giá sản phẩm, dịch vụ khi lựa chọn đối tác đầu tư, thương mại. Do đó, muốn tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, doanh nghiệp trong nước không những phải tuân thủ các quy định của nước sở tại mà còn cần đáp ứng các thông lệ quốc tế như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới của Liên minh châu Âu hay quy định chống phá rừng để đảm bảo sự phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu.
Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp
-
Sáng 5/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm rõ thêm các vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, trong đó có vấn đề thương mại điện tử, triển khai các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), xử lý rác thải điện tử…
-
Phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa kết thúc. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá phiên chất vấn thuộc lĩnh vực công thương diễn ra trong không khí sôi nổi, trách nhiệm cao.
-
Tiếp tục Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, chiều ngày 4/6, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã báo cáo và “đăng đàn” trả lời chất vấn trước Quốc hội các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngành Công Thương.
-
Bán hàng đa cấp là ngành nghề kinh doanh được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, dễ bị biến tướng thành các hoạt động lừa đảo, huy động tài chính bất hợp pháp, gây hệ lụy xấu trên quy mô lớn cho xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp