VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến sản xuất và hành động của Bộ Công Thương

06/10/2021 08:35

Trong những tháng cuối năm 2021, một trong những hoạt động trọng tâm mà Bộ Công Thương đề ra là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu công nghiệp nhằm duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.

Đối với ngành dầu khí, phối hợp với các địa phương để chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ chủ đầu tư các dự án trọng điểm dầu khí trong việc triển khai các hoạt động thi công ngoài hiện trường đáp ứng tiến độ đề ra, trên nguyên tắc đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng chống dịch Covid-19 đặc biệt là các Dự án Kho cảng LNG Thị Vải, Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam. Đôn đốc tiến độ triển khai các dự án trọng điểm về dầu khí.

Tăng cường công tác sản xuất, điều tiết việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp tình hình không để gián đoạn, đứt gãy nguồn cung các sản phẩm thiết yếu (dầu thô, khí tự nhiên, xăng dầu, phân bón...); Hiệp hội Xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu, các Tập đoàn, Tổng công ty các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu chia sẻ hoạt động với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, ưu tiên sử dụng nguồn từ các nhà máy lọc dầu trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu.

Đối với nhóm ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, chế biến thủy sản, điện tử… tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa để các nhà máy duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất nhằm giữ được chân hàng, chuỗi cung ứng, trước mắt là để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết và tranh thủ những đơn đặt hàng phục vụ dịp mua sắm cuối năm ở các thị trường khu vực châu Âu, Mỹ để gia tăng sản lượng.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. Thường xuyên cập nhật, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, nhằm hình thành mạng lưới kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến ngành công nghiệp, hình thành chuỗi cung ứng trong nước.

Đối với nhóm ngành sản xuất thép, phân bón, khai thác quặng, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo và phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, Ủy ban quản lý vốn nhà nước và những Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp sản xuất lớn trong các ngành rà soát, xem xét liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, có biện pháp để tăng năng suất, ưu tiên đáp ứng nhu cầu tối đa nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm trong nước đang có nhu cầu cao. Rà soát cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu và kiến nghị giải pháp quản lý xuất nhập khẩu mặt hàng sắt thép, phân bón, quặng sắt.

Sản xuất công nghiệp vẫn tăng dù khó khăn do Covid-19

Tuy sản xuất công nghiệp trong tháng 8/2021 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, giảm 4,2% so với tháng trước, nhưng tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Sản xuất công nghiệp trong tháng 8/2021 chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 2,4%; ngành chế biến, chế tạo giảm 9,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2%.

Tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam qua các tháng năm 2020 - 2021

 

Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,7%), đóng góp 5,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất 8 tháng đầu năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất kim loại tăng 30,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 23,1%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 9,2%; dệt và sản xuất giường, tủ, bàn ghế cùng tăng 8,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 7,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,8%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 7,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 6%; sản xuất trang phục tăng 5,9%.

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 13,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 7,6%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 3,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 1,7%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 1%; khai thác than cứng và than non giảm 0,9%.

Một số sản phẩm công nghiệp đặc biệt tăng cao trong 8 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước như thép cán tăng 48,3%; linh kiện điện thoại tăng 43,9%; ô tô tăng 27,9%; sắt, thép thô tăng 13,7%; giày, dép da tăng 12,5%; phân hỗn hợp NPK tăng 12,3%; sữa bột tăng 11,1%; khí hóa lỏng LPG tăng 10,6%; điện thoại di động tăng 10%; thức ăn cho gia súc tăng 9,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 6,7%.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm lại giảm như tivi các loại giảm 27,1%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 14,3%; đường kính giảm 9,5%; dầu mỏ thô khai thác giảm 6,2%; bột ngọt giảm 5,7%; thủy hải sản chế biến giảm 5,1%; thức ăn cho thủy sản giảm 5%.

Chỉ số sản xuất tháng 8/2021 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%; TP HCM giảm 49,2%; Vĩnh Long giảm 41,5%; Tây Ninh giảm 36,9%; Sóc Trăng giảm 31,4%; Hậu Giang giảm 29,5%; Khánh Hòa giảm 28,6%; Tiền Giang giảm 27%; Cần Thơ giảm 25,9%; Kiên Giang giảm 25,6%; Long An giảm 20,9%; Đà Nẵng giảm 17,1%; An Giang và Quảng Nam cùng giảm 15,5%; Đồng Nai giảm 13,3%; Bình Dương giảm 12,6%; Hà Nội giảm 6,4%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 3,7%.

Một số địa phương có chỉ số IIP tăng như: Hải Phòng tăng 21,2%; Hà Nam tăng 18,5%; Hải Dương tăng 17,8%; Quảng Ninh tăng 17,5%; Thái Bình tăng 15,8%; Nghệ An tăng 14,9%; Ninh Thuận và Nam Định cùng tăng 14,2%; Quảng Trị tăng 13,7%; Bắc Giang tăng 13,1%; Kon Tum tăng 12,5%; Quảng Ngãi tăng 11,4%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 01/8/2021 giảm 5,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 10,6% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,8% và giảm 4,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 5,6% và giảm 9,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6% và giảm 12%.

Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,6% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo giảm 5,8% và giảm 11,4%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí giảm 0,1% và tăng 2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,7% và giảm 4,1%.

Về giải pháp trong những tháng cuối năm của ngành Công Thương, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, toàn Ngành sẽ nỗ lực thực hiện 5 nhiệm vụ sau:

Trước hết, tập trung tháo gỡ khó khăn cho SXKD, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu, cụm công nghiệp nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua.

Thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp.

Thứ hai, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt vùng có dịch, ổn định cung cầu - giá cả; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi nhất cho việc lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước.

Tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm trong những tháng cuối năm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ, găm hàng, nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh… tạo môi trường thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển.

Thứ ba, từng bước mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở, hộ kinh doanh trên cơ sở đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nhằm tạo môi trường cho kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất. Song song với đó là triển khai các chương trình bình ổn, kích cầu như: triển khai thực hiện Chỉ thị tổ chức đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2022, Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2021 dịp Tết Dương lịch Tết Nguyên đán 2022, chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng số nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản; khôi phục, tạo đơn hàng mới cho những tháng cuối năm và năm 2022.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
 

Nguồn: Moit.gov
Link nguồn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.978.291