Đẩy mạnh xu hướng phát triển bền vững trong ngành dệt may
Ngày 10/4, Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Dệt & May, thiết bị, nguyên phụ liệu & vải (SaigonTex & SaigonFabric 2024) được khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, Tp. Hồ Chí Minh, tổ chức bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Hội Dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh (Agtek) và Công ty TNHH Tổ chức Triển lãm CP Việt Nam.
Triển lãm quy tụ hơn hơn 1.000 nhà triển lãm quốc tế và Việt Nam tham dự với quy mô trưng bày lên đến gần 30.000 m2, đây cũng là triển lãm hàng đầu tại Việt Nam về ngành công nghiệp dệt may, nguyên phụ liệu và vải. Các doanh nghiệp của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới như Bỉ, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc ... đã tham dự triển lãm và giới thiệu hàng trăm thương hiệu tiêu biểu ở hai lĩnh vực chính phục vụ cho ngành dệt may. Cụ thể, ở lĩnh vực máy móc, thiết bị ngành công nghiệp dệt may với các nhà triển lãm như A Nguyen, AMC – Leman, Averydennison, Baolun Computer, Brother … còn ở lĩnh vực nguyên liệu dệt, vải và phụ liệu may mặc có các nhà triển lãm như Amann, Brotex, Continental, Dalat Worsted Spinning, Daluen, Double Wins …
SaigonTex & SaigonFabric 2024 quy tụ hơn 1.000 nhà triển lãm quốc tế và Việt Nam tham dự - Ảnh: doanhnghiephoinhap.vn
SaigonTex & SaigonFabric 2024 có 7 chủ đề chính, bao gồm: Vải denim/jean; vải từ sợi nhuộm; vải in; các loại vải tái chế; vải chức năng/thể thao; nguyên liệu cho thời trang nữ; phụ liệu may (chỉ, nút, ren, khóa kéo…). Bên cạnh đó, sự kiện có chương trình giới thiệu sản phẩm (PPP) kết hợp trưng bày tĩnh và trình diễn catwalk một cách sống động lần đầu tiên được tổ chức; chương trình kết nối doanh nghiệp do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chủ trì nhằm kết nối các nhà triển lãm và người mua hàng với nhau; các hội thảo chuyên đề nhằm chia sẻ và cung cấp cho các nhà triển lãm những kinh nghiệm của các chuyên gia về chính sách, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh, ứng dụng trong ngành công nghiệp dệt may.
Triển lãm SaigonTex & SaigonFabric 2024 là cơ hội tốt để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tìm kiếm các đối tác uy tín, tìm hiểu và lựa chọn các vật liệu, nguyên phụ liệu mới. Triển lãm phù hợp với định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam, đồng thời cũng bắt kịp xu hướng của ngành dệt may toàn cầu, đặc biệt đáp ứng các quy định về minh bạch nguồn gốc xuất xứ và xanh hóa nguồn nguyên liệu.
Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường, khách hàng, trong đó hướng tới phát triển ngành dệt may bền vững, chất lượng, đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024, tăng 10% so với năm 2-2023. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt, may của Việt Nam đạt 33,33 tỷ USD, giảm 11,37% so với năm 2022; tính riêng 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt, may đạt 5,16 tỷ USD, tăng đáng kể 13,38% so với 2 tháng đầu năm 2023.
Theo Quyết định 1643/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dệt may và Da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8% - 7,2%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt 7,5% - 8,0%/năm. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 50 - 52 tỷ USD và năm 2030 đạt 68 - 70 tỷ USD. Tỷ lệ nội địa hoá ngành dệt may giai đoạn 2021 - 2025 đạt 51% - 55% và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 56% - 60%. Định hướng đến năm 2030, chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững dựa trên chuyển đổi số, tăng trưởng xanh. Dự báo, trong năm 2024, nền kinh tế thế giới sẽ có nhiều cải thiện, Việt Nam với thế mạnh là một điểm đến an toàn hứa hẹn sẽ tạo thuận lợi cho việc thu hút các đơn hàng dệt may quay lại.
Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp
-
Đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch rộ sầu riêng. Tuy nhiên, giá thu mua lại đang giảm sâu.
-
Mặc dù châu Á – châu Phi là thị trường trọng điểm của Việt Nam, chiếm hơn 67% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước nhưng đây vẫn là một thị trường tiềm năng còn rất nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh khai thác.
-
Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là 2 tỷ đồng.
-
Thu hút dòng vốn FDI xanh một cách hiệu quả kỳ vọng sẽ tác động tích cực lên nhiều phương diện của nền kinh tế.