Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, quý I/2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, trong quý I/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng để đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, để tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và Hiệp hội doanh nghiệp nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp như tổ chức họp với đại diện Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, thực hiện khảo sát nhanh tình hình doanh nghiệp bị tác động của dịch bệnh Covid-19. Thành lập đường dây nóng và hòm thư điện tử để kịp thời tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp về ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19 với 07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Hiện nay, các Bộ, ngành đang khẩn trương thực hiện các giải pháp được ban hành trong Chỉ thị.
Về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong quý I/2020, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai Luật hỗ trợ DNNVV. Ở cấp Trung ương, tính đến thời điểm báo cáo, khuôn khổ pháp lý để triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV đã cơ bản hoàn thiện, Chính phủ đã ban hành đầy đủ 5/5 Nghị định và các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành 10 Thông tư hướng dẫn để triển khai các nội dung theo quy định của Luật. Một số Thông tư hướng dẫn về nghiệp vụ Quỹ Phát triển DNNVV của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thông tư hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang được xây dựng.
Ở cấp địa phương, đến nay, có gần 200 Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản hướng dẫn hỗ trợ DNNVV theo các nội dung của Luật đã được các địa phương ban hành. Trong đó, có 10 địa phương ban hành đề án, chương trình, kế hoạch riêng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh; 30 địa phương ban hành đề án, chương trình, kế hoạch riêng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương; 9 địa phương ban hành đề án, chương trình, kế hoạch riêng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; 9 địa phương ban hành đề án, chương trình, kế hoạch riêng hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ngày 18/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Qua đó, nhằm tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp về cả số lượng, quy mô và chất lượng, đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp. Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo là một trong các giải pháp để thực hiện đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này, một số Bộ, ngành đã xây dựng các chương trình, đề án cụ thể như Đề án Hỗ trợ phát triển các DNNVV trong lĩnh vực thông tin và truyền thông để hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia đến năm 2025"; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ cho các doanh nghiệp và các hệ sinh ĐMST; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện “Cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST quốc gia” tại địa chỉ www.startup.gov.vn, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu tra cứu, khai thác, tương tác thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật khoa học và công nghệ,… của cộng đồng khởi nghiệp, đồng thời đáp ứng nhu cầu về mở rộng, tích hợp cũng như đồng bộ thông tin với các ứng dụng khác; Tiếp tục triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”…
Về bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh, thực hiện giảm giá dịch vụ, ứng phó với dịch bệnh Covid-19 gây ra, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế - xã hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo việc tiếp tục giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Mức giảm theo bậc thang từ 5% đến 20% tổng mức thu dịch vụ thông tin tín dụng; Ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…
Trong quý I/2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, Bộ Công Thương đã tổ chức làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp đánh giá tác động khó khăn của DNNVV tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm: dệt may, da giày, gỗ, điện tử, ô tô… để xác định khó khăn thị trường, tài chính tín dụng… để có cơ sở xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp; Xây dựng biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại điện tử; đánh giá cơ chế và biện pháp khắc phục để phát triển thị trường và chuỗi cung ứng (điện tử, đồ gỗ, chế biến nông sản, thủy sản, chế biến, chế tạo…); nghiên cứu đánh giá tồn kho hàng hoá của các nước để có biện pháp phòng vệ và phổ biến doanh nghiệp trong nước...; thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua một số chương trình về phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, trong đó tiếp tục ưu tiên cho thị trường nội địa, đặc biệt tạo lập kênh phân phối ở nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn. Đồng thời, Bộ đã có văn bản về việc hỗ trợ một số tỉnh gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản do dịch bệnh Covid-19 từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia; xây dựng đề án hỗ trợ công tác nghiên cứu thị trường, truyền thông, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ bằng các hình thức đa kênh một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm có sản lượng lớn và hàng tiêu dùng sản xuất tại Việt Nam trong mùa dịch; xây dựng gói hỗ trợ 800 tỷ nhằm hỗ trợ hệ thống phân phối trong công tác bình ổn thị trường, cung ứng hàng hóa thiết yếu và hàng hóa tiêu dùng cho người dân trong thời gian dịch bệnh.
Về hỗ trợ thị trường cho hàng hóa nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai các đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và công bố mở cửa lại bình thường. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn, để cung cấp các sản phẩm thịt heo cho thị trường và bình ổn giá. Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp, địa phương tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất. Phương án này bao gồm chuẩn bị kịch bản trong bối cảnh nhiều địa phương công bố dịch bệnh Covid-19 sẽ dẫn đến nhu cầu cao về lương thực thực phẩm, do tâm lý và nhu cầu tích trữ phòng dịch của người dân.
Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVFTA và IPA) chính thức được ký kết tại Hà Nội sau hành trình 9 năm đàm phán. Các hiệp định này sẽ đem lại những cơ hội và lợi ích rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường châu Âu. Theo đó, các Bộ đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa các cơ hội từ các Hiệp định.
Bên cạnh đó, các Bộ cũng đã có những hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ tiếp cận, ứng dụng công nghệ; đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật cao.
Về giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, theo Báo cáo, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, khẩn trương thực hiện các giải pháp được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Trong đó có các chính sách như chính sách về thuế, phí; cắt giảm chi phí đầu vào, chi phí liên quan đến người lao động; cắt giảm chi phí logistics.
Về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, trong năm 2020, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát thường xuyên thời gian, đối tượng, kế hoạch thanh tra hằng năm kịp thời phối hợp và xử lý, không để xảy ra việc chồng chéo. Đồng thời, quán triệt toàn thể cán bộ, công chức khi triển khai tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường tuyên truyền pháp luật về thanh tra cho mọi đối tượng để thực hiện.
Theo Báo cáo, nhìn chung, đến nay, hầu hết các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 35/NQ-CP đã được hoàn thành. Tuy nhiên, về tình hình triển khai Nghị quyết vẫn còn một số khó khăn và hạn chế, một số nhiệm vụ mặc dù đã được các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện nhưng chưa hoàn thành.
Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh rà soát, cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hoàn thiện các nhiệm vụ theo yêu cầu tại Nghị quyết 35/NQ-CP và Chỉ thị 26/CT-TTg; cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; kịp thời trả lời những kiến nghị của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp.
Đồng thời, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Các Bộ ngành, địa phương và Hiệp hội doanh nghiệp chủ động nắm bắt tình hình kinh doanh, triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và kịp thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp./.
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ KH&ĐT
-
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 6/4/2020.
-
Theo dự thảo Nghị định mới nhất, gói hỗ trợ gia hạn thuế và tiền thuê đất được tăng từ hơn 80 ngàn tỷ đồng lên tới trên 180 ngàn tỷ
-
(VITIC-DNTM) Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc
-
(VITIC-DNTM) Chính phủ vừa ban hành Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng