VITIC
Thị trường trong nước

Đẩy mạnh các giải pháp phát triển thương mại biên giới

09/10/2024 15:11

Trong những năm qua, công tác xúc tiến thương mại qua cửa khẩu luôn được quan tâm triển khai và mang lại kết quả tích cực. Để thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ trên toàn tuyến biên giới đất liền, Chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại biên giới với Chính phủ các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia... 


Kinh tế cửa khẩu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ngoại thương. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, thương mại biên giới đang đứng trước những cơ hội phát triển mới. Trong đó, tuyến biên giới đất liền với hệ thống các cửa khẩu, đường giao thông, các hành lang kinh tế xuyên quốc gia, các khu hợp tác kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại tự do và khu bảo thuế đã và đang được xây dựng, nâng cấp, được đánh giá là một trong những cửa ngõ chính, quan trọng trong hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc. Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc được thành lập, tạo nên động lực lớn cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai thị trường ASEAN và Trung Quốc…

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới đất liền sang 3 thị trường Trung Quốc, Lào và Campuchia đạt 50,38 tỷ USD, tăng 52,2% so với năm 2022, chiếm 27,68% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu song phương với 3 thị trường. 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Lào và Campuchia cũng có sự gia tăng mạnh, trong đó có một phần quan trọng đến từ thương mại biên giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thương mại biên giới toàn tuyến biên giới đất liền còn nhiều khó khăn. Mặc dù cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu các tỉnh biên giới đã được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, tuy nhiên hệ thống logistics vẫn còn một số vấn đề như khó khăn trong khai thác đường sắt với Trung Quốc do chưa đồng bộ về khổ đường ray; hệ thống sông dốc, nhiều đá ngầm khi khai thác vận tải; chưa có trung tâm logictics với đầy đủ các chức năng cơ bản…

Để đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới, các cơ quan chức năng đang nỗ lực xây dựng các văn bản pháp lý, trình Chính phủ ban hành nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới. Bên cạnh đó, thúc đẩy xúc tiến thương mại, tăng cường các giải pháp quảng bá cho sản phẩm, hàng hoá Việt. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2024/NĐ-CP ngày 4/10/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024. Cụ thể như sau:

         Nghị định số 122/2024/NĐ-CP vẫn quy định 3 phương thức thanh toán là: Thanh toán qua ngân hàng; thanh toán bù trừ giữa hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu với hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu (phần chênh lệch thanh toán qua ngân hàng); và thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, theo quy định mới thì phương thức thanh toán bằng tiền mặt chỉ được áp dụng đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới;

        Hàng hóa trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân, cư dân biên giới phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc và các điều kiện khác theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu;

        Quy định về chủ thể hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới;

        Quy định về xuất nhập cảnh người và phương tiện của Việt Nam;

Ngoài ra, nghị định còn nêu, trong năm 2029, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh số lần được miễn thuế và số tiền được miễn thuế cho nhập khẩu hàng hoá theo hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2029, khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân biên giới phải có mặt để làm thủ tục xuất nhập khẩu. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2030, hàng hoá chỉ được làm thủ tục xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu quốc tế; cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); cửa khẩu phụ; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); lối mở biên giới đã hoàn thành trình tự mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới, lối mở biên giới theo quy định pháp luật hiện hành và đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất khẩu, nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.



 

Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.854.067