Đạt 14,46 tỷ USD, xuất siêu tiếp tục lập kỷ lục mới
Trong kỳ 1 tháng 9, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục xuất siêu 973 triệu USD nâng mức thặng dư luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/9 đạt 14,46 tỷ USD.
Đây cũng là mức xuất siêu kỷ lục của Việt Nam từ trước đến nay.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9/2020 (từ ngày 01/9 đến ngày 15/9) đạt 24,301 tỷ USD, giảm 8,9% so với kỳ 2 tháng 8/2020. Lũy kế đến hết ngày 15/9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 361,51 tỷ USD.
Sản phẩm điện thoại di động góp phần lớn cho thành tích xuất siêu những tháng đầu năm
Về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 9, Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu 12,63 tỷ USD, giảm 15,8% so với kỳ trước. Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/9, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 187,9 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9 đạt 11,664 tỷ USD, tăng 0,1% so với kỳ 2 tháng 8. Lũy kế đến hết ngày 15/9, giá trị nhập khẩu của Việt Nam đạt 173,5 tỷ USD.
Trước đó, trong tháng 8, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 50,4 tỷ USD, trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 27,7 tỷ USD, tăng 11,4% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 22,7 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng trước. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt 336,92 tỷ USD; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 175,36 tỷ USD, tăng 2,3% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 161,9 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ 2019. Cán cân thương mại cả nước đã xuất siêu gần 13,5 tỷ USD sau 8 tháng, gấp gần 2,5 lần so với số thặng dư cùng kỳ năm 2019 (5,47 tỷ USD).
Đáng chú ý, tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã đạt mức cao nhất tính theo tháng trong năm 2020. Mức tăng chủ yếu đến từ đà tăng trưởng cao của một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ... Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đều tăng trưởng cao ở mức hai con số so với tháng trước liên tục trong tháng 7 và 8 do Samsung cho ra mắt mẫu điện thoại thông minh mới Galaxy Note20 và chính thức bán ra toàn cầu trong tháng 8/2020.
Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo cơ hội lớn cho XK của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam được cắt giảm thuế cao như như: Nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử…
Để duy trì những kết quả đạt được, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của EVFTA và các hiệp định thương mại tự do khác để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định.
Nguồn: Báo Công thương
Link nguồn
-
Ngày 19/9, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố báo cáo “Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9/2020”.
-
Kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) nông - lâm - thủy sản hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không ngừng tăng lên trong những năm gần đây, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai quốc gia. Theo đó, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thủ tục kiểm dịch, mở cửa thị trường XNK hàng hóa sẽ góp phần nâng cao kim ngạch của cả hai bên.
-
Các giống thuộc danh mục gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan chiếm khoảng 43% đến 46% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm với khoảng trên 3,0 triệu tấn.
-
Để tận dụng hiệu quả nhất cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các bộ, ngành, địa phương… đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, giúp DN giành thế chủ động trong "sân chơi" mới.