Đài Loan dự thảo sửa đổi tiêu chuẩn cho phép dư lượng thuốc trừ sâu trong trái cây, rau, ngũ cốc, đậu khô, hạt cây, thảo mộc, hoa bia và trà
Ngày 13/12/2024, Cơ quan Y tế và Phúc lợi Đài Loan đã thông báo lên WTO về dự thảo sửa đổi "Tiêu chuẩn cho phép dư lượng thuốc trừ sâu". Các sửa đổi bao gồm việc bổ sung và sửa đổi mức dư lượng cho phép đối với 32 loại thuốc trừ sâu trong 100 loại cây trồng và loại bỏ 2 loại thuốc trừ sâu. Mức dư lượng sửa đổi trong dự thảo bao gồm mức dư lượng nhập khẩu đối với 7 loại thuốc trừ sâu và 20 loại cây trồng; mức dư lượng cho phép đối với 10 loại thuốc trừ sâu và 62 loại cây trồng được đăng ký trong nước; và mức dư lượng sửa đổi đối với 16 loại thuốc trừ sâu và 18 loại cây trồng phù hợp với phương pháp kiểm tra. Dự thảo có thời gian lấy ý kiến là 60 ngày.
Đây là dự thảo quan trọng có tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả, thực phẩm của Việt Nam sang thị trường Đài Loan
Nhiều mặt hàng rau quả của Việt Nam chiếm tỷ trọng cao trong tổng nhập khẩu của thị trường Đài Loan
Theo số liệu từ ITC, trong giai đoạn 2019 – 2023, kim ngạch nhập khẩu của Đài Loan những mặt hàng nông sản của thế giới đạt trên 546 triệu USD/năm, đang có xu hướng tăng từ 470,7 triệu USD vào năm 2019 tăng lên 616,8 triệu USD vào năm 2023, tăng bình quân bình quân 7,4%/năm.
Theo thống kê của ITC, trong 9 tháng 2024, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng rau của thị trường Đài Loan từ Việt Nam đạt 58,2 triệu USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng rau thị trường Đài Loan nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu gồm hành, tỏi, hẹ, bắp cải, súp lơ, su hào, rau đậu, rau khô. Số liệu thống kê cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2024, nhiều mặt hàng rau của Việt Nam chiếm tỷ trọng cao trong tổng nhập khẩu của thị trường Đài Loan như: Súp lơ và bông cải xanh, tươi hoặc ướp lạnh chiếm tỷ trọng 14,1%; Cải thảo hoặc pe-tsai (pak choi), tươi hoặc ướp lạnh chiếm 12,2%; Các loại cải bắp khác, cải xoăn và các loại cải bắp ăn được tương tự, tươi hoặc ướp lạnh chiếm 5,5%...
Với nhóm trái cây và các loại hạt (trừ hạt điều), kim ngạch nhập khẩu của thị trường Đài Loan từ Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 21,3 triệu USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2023. Cũng như nhóm hàng rau, nhiều mã trái cây của Việt Nam chiếm tỷ trọng cao trong tổng nhập khẩu của thị trường Đài Loan 9 tháng đầu năm 2024 như sầu riêng tươi chiếm 12,0%; Các loại trái cây và hạt đông lạnh khác, không chứa thêm đường hoặc chất tạo ngọt khác chiếm 1,3%; Nhãn, nhãn khô và thịt nhãn chiếm 1,5%.
Nhập khẩu hạt điều của thị trường Đài Loan từ Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 22,1 triệu USD với mã hạt điều khô đã bóc vỏ, chiếm 17,8% trong tổng nhập khẩu mã hàng này của thị trường Đài Loan.
Trong khi đó, cà phê của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của thị trường Đài Loan vẫn ở mức thấp với tỷ trọng chỉ ở mức 5,6%. Cà phê chưa rang, chưa khử caffein là chủng loại thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam với kim ngạch đạt 5,4 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 159,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập khẩu cà phê rang, không chứa caffein của thị trường Đài Loan trong 9 tháng đầu năm 2024 cũng tăng mạnh, tăng 95,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Với mặt hàng trà, trà đen khác (lên men), đóng gói ngay với trọng lượng trên 3kg là chủng loại trà thị trường Đài Loan nhập khẩulớn nhất từ Việt Nam, đạt 18,3 triệu USD trong 9 tháng năm 2024, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 14,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường. Trong khi đó, trà xanh có hương, đóng gói ngay với trọng lượng trên 3 kg là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong tổng nhập khẩu của thị trường Đài Loan, chiếm 4,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này trong 9 tháng năm 2024; Trà lên men một phần, đóng gói ngay với trọng lượng vượt quá 3 kg cũng chiếm tỷ trọng cao.
Thị trường Đài Loan là thị trường có quy định khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu chất lượng, kiểm dịch cao. Gần đây, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) gần đây có văn bản gửi Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam đề nghị cơ quan quản lý phía Việt Nam tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm rau xanh xuất khẩu sang Đài Loan.
Trước đó, trong văn bản gửi các nhà nhập khẩu, TFDA cũng thông báo cho hay, kể từ ngày 12/8/2024 đến ngày 11/02/2025, Đài Loan sẽ tăng cường kiểm tra từng lô đối với Rau cải thảo tươi hoặc đông lạnh (mã hàng hóa: 0704.90.10.00.8) và sầu riêng tươi (mã hàng hóa: 0810.60.00.00.7) nhập khẩu từ Việt Nam do gần đây phát hiện nhiều lô hàng nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn.
Các lỗi được công bố thường là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng kim loại nặng vượt mức cho phép.
Sau bão Gaemi, Đài Loan đã tăng cường nhập khẩu rau xanh từ Việt Nam để giảm bớt áp lực tăng giá rau xanh tại thị trường này.
- Xem chi tiết tại đây;
Lê Mai Thanh (VITIC) thực hiện
-
Italy là thị trường cung cấp hàng may mặc lớn nhất cho Trung Quốc trong 10 tháng năm 2024, chiếm 26% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường, đạt 1,09 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2023.
-
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Indonesia do cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á, văn hoá gần gũi, nên hàng hoá Việt Nam dễ được chấp nhận hơn tại thị trường này; Khoảng cách địa lý gần giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá của Việt Nam
-
Ngày 11/11/2024, Hàn Quốc đã gửi Thông báo số G/SPS/N/KOR/212 lên WTO về việc sửa đổi danh sách đối tượng kiểm dịch. Theo đó, Cơ quan kiểm dịch động thực vật (APQA) và Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hà Quốc (MAFRA) đã sửa đổi danh sách đối tượng kiểm dịch dựa trên kết quả phân tích rủi ro dịch hại (PRA) phù hợp với quy định tại Điều 4, Điều 6 của Pháp lệnh Bộ trưởng về Luật Bảo vệ thực vật.
-
Ngành cơ khí và luyện kim là hai ngành công nghiệp trọng yếu của nền kinh tế toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu và thiết bị cho nhiều ngành sản xuất khác như xây dựng, ô tô, điện tử, năng lượng, hàng không, và nhiều lĩnh vực khác. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế.