VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Đại dịch Covid-19 thách thức kinh tế toàn cầu

22/04/2020 14:29

NHỮNG THÔNG TIN ĐÁNG LƯU Ý TRONG TUẦN & DỰ BÁO

I. Kinh tế thế giới
Tuần qua, đại dịch Covid-19 với hàng loạt những tác động nghiêm trọng tiếp tục là rủi ro, thách thức lớn nhất mà kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong nhiều năm qua và được nhận định có thể sẽ khiến 2020 là năm khởi đầu cho một chu kỳ khủng hoảng kinh tế mới trong bối cảnh thế giới đang xung đột, chia rẽ, mâu thuẫn sâu sắc về lợi ích kinh tế, chính trị; tốc độ tăng trưởng của một số nền kinh tế chủ chốt chậm lại rõ rệt trong khi tình trạng thâm hụt ngân sách nặng nề và nợ công cao tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế lớn.

Hiện Covid-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp với số ca nhiễm và tử vong tại Mỹ, châu Âu tiếp tục gia tăng và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh, trong khi Nhật Bản đã chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 1 tháng đối với 7 tỉnh, thành tại Nhật Bản từ ngày 7/4/2020 trước tình trạng dịch lây lan nhanh chóng tại nước này. Đến thời điểm này vẫn chưa thể đánh giá thời điểm đại dịch Covid-19 sẽ được khống chế và đẩy lùi, trong khi hầu hết các nước trên thế giới đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề trước sự đình trệ của hoạt động sản xuất, giao thương, đi lại bị phong tỏa tạm thời ở nhiều quốc gia, khiến cả nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ đều rơi vào thời điểm suy yếu. Do đó, nếu không thể phá vỡ được bế tắc, thì hậu quả sẽ nặng nề và suy thoái kinh tế toàn cầu là điều khó tránh khỏi.

Tại Mỹ, chỉ số quản lý sức mua (PMI) ngành sản xuất theo tính toán của Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) đạt 49,1 điểm trong tháng 3/2020, thấp hơn so với mức 50,1 điểm trong tháng trước. Chỉ số này dưới 50 điểm cho thấy lĩnh vực chế tạo - chiếm 11% nền kinh tế Mỹ, đang suy giảm. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn so với mức dự báo giảm xuống 44 điểm trước đó và cho thấy những ảnh hưởng nặng nề của tình trạng gián đoạn sản xuất do dịch Covid-19 dường như chưa được phản ánh rõ nét trong chỉ số thống kê của tháng 3/2020.

Trên thị trường lao động, số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tháng 3/2020 đã tăng mạnh lên 4,4%, cao hơn so với mức 3,5% trong tháng 2/2020 – đánh dấu mức cao nhất của tỷ lệ này kể từ năm 2017. Tính chung trong tháng 3/2020, nền kinh tế Mỹ đã mất 701.000 việc làm, chênh lệch đáng kể so với mức tăng thêm 275.000 việc làm tháng trước đó, ghi nhận mức giảm việc làm cao nhất từ tháng 3/2009 - thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ở giai đoạn trầm trọng nhất và dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tháng tiếp theo. Theo dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong quý II/2020 sẽ vượt 10%, cao hơn đáng kể so với dự báo hiện tại của cơ quan này là 3,5%; trong khi Bloomberg Economics dự báo tỷ lệ sẽ sớm tăng lên mức 15% trong những tháng tới. Cùng với sự biến động mạnh trên thị trường lao động, Credit Suisse dự báo GDP của Mỹ trong quý II/2020 sẽ giảm tới 33,5% so với cùng kỳ năm trước, đưa GDP của Mỹ trong cả năm 2020 sẽ giảm 5,3%, cao hơn mức sụt giảm 2,8% trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đây sẽ là mức suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1945 và cho thấy tác động rõ ràng của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Mỹ. Trước diễn biến này, cùng với hàng loạt gói hỗ trợ nền kinh tế của Quốc hội Mỹ, trong tuần qua Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định hỗ trợ chương trình cho vay trị giá 349 tỷ USD của chính phủ đối với doanh nghiệp nhỏ, chính thức được triển khai từ ngày 3/4/2020.

Trong khi đó, tại châu Âu, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang tác động nghiêm trọng đến hầu hêt các nền kinh tế trong châu lục, Liên minh châu Âu (EU) lại đang đứng trước những thách thức chia rẽ nội khối chưa từng có kể từ khi thành lập. Theo đó, 27 nước thành viên của Liên minh EU liên tục bất đồng và chưa đạt được thỏa thuận về các gói cứu trợ kinh tế đối với các quốc gia thành viên đang bị dịch bệnh tấn công. Điểm mấu chốt là việc phát hành các công cụ nợ chung để tài trợ cho các khoản chi tiêu liên quan đến coronavirus, được gọi là “coronabonds”, mà Pháp, Ý và Tây Ban Nha nói riêng đang hậu thuẫn, trong khi Đức, Hà Lan, Áo và Phần Lan chưa đồng thuận. Trong khi đó, nguy cơ suy thoái của cả khu vực tiếp tục được củng cố rõ nét trước sự suy yếu của các chỉ số kinh tế vĩ mô. Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Eurozone theo tính toán của IHS Markit trong tháng 3/2020 đã giảm xuống 44,5 điểm - mức thấp nhất của chỉ số này kể từ năm 2012 đến nay. Đáng chú ý, chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ giảm mạnh từ 52,6 điểm trong tháng 2/2020 xuống 26,4 điểm trong tháng 3/2020 – đánh dấu mức thấp nhất trong lịch sử kể từ khi chỉ số này được thống kê.

II. Kinh tế trong nước
Kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, sự bùng phát của dịch bệnh đã leo thang lên một giai đoạn mới vào tháng 3/2020, tác động mạnh đến tất cả các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam, hình thành các cú sốc đối với cả phía cung và cầu ở hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 20/3/2020, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt khoảng 0,68%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,9% cùng kỳ năm trước, cho thấy cầu tín dụng yếu đi do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã được các Ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm liên tục ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ các mức lãi suất điều hành và “bơm tiền” nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, sự giảm tốc mạnh của cầu tín dụng trong khi thanh khoản hệ thống ở trạng thái dồi dào, chi phí huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng giảm, kết hợp với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ sẽ là những yếu tố quan trọng để mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Khi đó, các gói hỗ trợ tín dụng có thể sẽ được nhiều ngân hàng mở rộng áp dụng với tất cả các khách hàng trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế chứ không chỉ hỗ trợ giới hạn một số nhóm doanh nghiệp bị thiệt hại trực tiếp từ dịch bệnh như hiện nay.

Mặc dù hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng trong báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á” do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phát hành tuần đầu tháng 4/2020, ADB vẫn nhận định, so với bối cảnh chung, nền tảng kinh tế Việt Nam được đánh giá vững mạnh, đồng thời ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ đạt 4,8% - mức tăng cao nhất trong khu vực ASEAN. Nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, mức tăng trưởng kinh tế sẽ là 6,8% trong năm 2021, ngang với mức dự báo của ADB trước khi COVID-19 xuất hiện. Trong trung và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Để có thông tin chi tiết của bản tin Quý độc giả vui lòng liên hệ;
Phòng Thông tin Xuất nhập khẩu
- Địa chỉ:               Phòng 603 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
- Điện thoại:          024 3715 2584/ 371525 85/ 3715 2586            Fax: 024 3715 2574
Người liên hệ:      
- Mrs Huyền;         0912 077 382    ( thuhuyenvitic@gmail.com)
- Mrs Nhuận;         0982 198 206    (hongnhuan82@gmail.com)
- Mrs Kiều Anh;     0912 253 188    (kieuanhvitic@gmail.com)

Để có thông tin đầy đủ Quý độc giả vui lòng tải mẫu phiếu đăng ký sử dụng bản tin tại đây; 

Phòng TTXNK

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.000.330