Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam": Khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo của người Việt
Tối 21/5/2019, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngành Công Thương.
Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Trương Thị Ngọc Ánh; Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành; đại biểu Quốc hội; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đại diện các Sở, ban, ngành Trung ương và địa phương; các doanh nghiệp và Hiệp hội sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam tiêu biểu, các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của ngành Công Thương; các cơ quan thông tấn, báo chí.
Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Báo cáo tại Lễ tổng kết, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2009, khi Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương đã bám sát chủ trương của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự và kịp thời quán triệt, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai Cuộc vận động đến các cơ quan đơn vị trong ngành.
Với nhiều sáng tạo trong cách thức triển khai, 10 năm qua ngành Công Thương đã đồng hành cùng Ban chỉ đạo Trung ương và các cấp bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cùng chung tay hành động, góp phần quan trọng làm chuyển biến ý thức người tiêu dùng và doanh nghiệp, tạo nên diện mạo mới trên thị trường, trong đó người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao chất lượng và uy tín thương hiệu hàng Việt Nam. Có thể nói, sự lan tỏa thành công từ việc triển khai các chương trình hành động được thể hiện rõ nét qua những kết quả sau đây:
Một là, tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt;
Hai là, khơi dậy được tiềm năng lớn về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế. Đến nay, chúng ta có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. Theo báo cáo của các Sở Công Thương, tỷ lệ hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống;
Ba là, việc triển khai các chương trình của Cuộc vận động đã phát huy được nội lực to lớn trong nước. Một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa với hàm lượng khoa học công nghệ cao trong sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%; ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%; áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất ô tô, chế biến sữa, sợi và dệt nhuộm làm tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sự tiến bộ tạo chuyển biến tích cực nêu trên đã góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Công Thương thực hiện hiệu quả các giải pháp cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, cháy hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ.
Nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được nhận Bằng khen vì những thành tích trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hiện đang bước sang một giai đoạn mới trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới với nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới. Sức ép và sự cạnh tranh trên thị trường nội địa sẽ ngày càng quyết liệt hơn. Do vậy, để triển khai hiệu quả Cuộc vận động trong giai đoạn mới, Bộ Công Thương sẽ:
(1) Tập trung triển khai các nhiệm vụ thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trình Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 trong đó tập trung vào các giải pháp xúc tiến thương mại trong nước; lành mạnh hóa mạng lưới phân phối; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế nhằm từng bước kiểm soát nhập khẩu và trật tự thị trường;
(2) Phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp trong phân phối, lưu thông, khuyến khích doanh nghiệp, HTX thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; tăng cường phát triển hệ thống phân phối trong nước, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phân phối có khả năng kết nối với doanh nghiệp trong nước;
(3) Khuyến khích thành lập các hiệp hội bán buôn, bán lẻ tại các vùng miền và theo mặt hàng. Tạo điều kiện để phát triển các loại hình doanh nghiệp thương mại kinh doanh hàng hoá chuyên ngành, hàng hoá tổng hợp, các công ty thương mại bán lẻ hiện đại, các doanh nghiệp dịch vụ logistics, quản lý và kinh doanh chợ, liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ hàng nông sản - thực phẩm, các HTX thương mại và dịch vụ nông thôn. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình liên kết hình thành mạng lưới kinh doanh dịch vụ thương mại, tạo thành các chuỗi giá trị hàng hóa thương hiệu Việt của ngành Công Thương.
Ghi nhận và đánh giá cao Bộ Công Thương thời gian qua đã thực hiện nghiêm các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Chỉ thị và Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai Cuộc vận động, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, những thành tích của ngành Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động trong 10 năm qua đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm tỉ lệ nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong nhiều năm gần đây là tín hiệu đáng mừng cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tự chủ; phát huy được nguồn nội lực to lớn ở trong nước; đồng thời khẳng định sự đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng và cơ chế, chính sách của Chính phủ trong Cuộc vận động và ngày càng được hiện thực hóa sâu rộng ở các cấp, các ngành, các địa phương.
Chính phủ cũng đánh giá cao sự phối hợp nhịp nhàng của Ban Chỉ đạo Chương trình hành động của Bộ Công Thương với các địa phương trong cả nước, nhất là trong các hoạt động truyền thông, hoạt động kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp - khu chế xuất, đào tạo kỹ năng cho các chủ hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và phát triển thương hiệu, xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản…
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ
Chỉ đạo nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo chương trình Cuộc vận động của Bộ Công Thương. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương tiếp tục triển khai mạnh mẽ Đề án phát triển thị trường trong nước gắn liền với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với nhiều mô hình mới, cách làm hay.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan cần tiếp tục cố gắng, sáng tạo, tìm ra cách làm phù hợp với thực tiễn trong triển khai thực hiện Cuộc vận động nhằm khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo của người Việt Nam, nâng cao chất lượng, uy tín của hàng hóa Việt Nam, chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm gian hàng của Habeco và Petrolimex
Trước Lễ tổng kết, khi thăm quan Triển lãm thành tựu 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận, Triển lãm đúng là nơi hội tụ của sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao của ngành Công Thương. Tại gian hàng Habeco, Phó Thủ tướng đánh giá cao Tổng Công ty hưởng ứng thiết thực Cuộc vận động bằng các sản phẩm mới, chinh phục người tiêu dùng. Đến với gian hàng VinFast - thành viên Tập đoàn VinGroup, Phó Thủ tướng đặc biệt ấn tượng với các mẫu xe ô tô Sedan, SUV và xe điện mang nhãn hiệu Việt. Bên cạnh đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam mang đến Triển lãm những sản phẩm mang đậm dấu ấn Petrolimex và giành cho người tiêu dùng Việt Nam những món quà tri ân ý nghĩa....
-
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Văn bản số 3632/VPCP-KTTH ngày 03/5/2019 và Thông báo số 79/TB-VPCP ngày 10/5/2019 của Văn phòng Chính phủ về điều hành giá một số mặt hàng, để đẩy mạnh công tác công khai minh bạch thông tin về giá điện, Bộ Công Thương vừa có Công văn gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
-
Vừa qua, sau khi các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về việc Bộ Công Thương có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai phương án giá điện theo Nghị quyết của Chính phủ cũng như báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT về việcđiều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 20/3/2019; ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã trả lời phỏng vấn về một số vấn đề liên quan đến thực hiện giá bán lẻ điện và thị trường điện. Nội dung phỏng vấn như sau:
-
Ngày 12 tháng 4 năm 2019, Bộ Công Thương đã có công văn số 2580/BCT-XNK gửi tới các Bộ, ngành, Sở Công Thương tỉnh, thành phố, Hiệp hội ngành hàng về việc xét chọn Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2018.
-
Ngay sau khi nhận được Công văn hoả tốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường kiểm tra kiểm soát đối với mặt hàng Tôm hùm càng đỏ, ngay chiều 20/5, Tổng cục QLTT đã có văn bản hỏa tốc gửi các Cục QLTT đề nghị tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường đối với mặt hàng này