VITIC
Thị trường trong nước

Củng cố vững chắc ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam

31/08/2023 08:50

Việt Nam cần củng cố vững chắc ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng cường khả năng linh hoạt nguồn cung ứng, giảm chi phí, nâng cao năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chế tạo trong nước ngày càng phát triển.


Nếu Việt Nam cung cấp được nguồn nguyên liệu, linh phụ kiện ổn định thì sẽ tăng cường linh hoạt nguồn cung ứng, giảm chi phí, nâng cao năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế.

Với tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giày, điện tử.

Trong “Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản” (SIE) lần thứ 10 và “Triển lãm công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam” (VME) lần thứ 14 diễn ra đầu tháng 8/2023 vừa qua, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Watanabe Shige cho biết, trong những năm qua, Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế trong ngành công nghiệp sản xuất chế tạo. Thế mạnh của của Việt Nam trong ngành sản xuất là mảng dệt may.

Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tập trung quan tâm tới Việt Nam, mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp xứ sở mặt trời mọc. Tuy nhiên, Đại sứ Watanabe Shige cho rằng, Việt Nam cần củng cố vững chắc ngành công nghiệp hỗ trợ.

“Nếu như tại Việt Nam việc cung cấp nguyên liệu, linh phụ kiện được ổn định thì sẽ tăng cường linh hoạt nguồn cung ứng, giảm chi phí, nâng cao năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ. Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chế tạo trong nước ngày càng phát triển”, Đại sứ Watanabe Shige nhận định.

Chung quan điểm này, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội cũng cho biết, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam năm 2022 tăng 12% so với năm 2021, đạt 4,6 tỷ USD. Nhật Bản trở thành đối tác đầu tư vô cùng quan trọng của Việt Nam, là quốc gia đầu tư lớn thứ 3 nếu tính theo lũy kế về giá trị, đứng thứ 2 nếu tính theo số lượng dự án.

Tuy nhiên, Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam. Một trong những khó khăn lớn gặp phải là tỷ lệ nội địa hóa cung cấp nguyên liệu, linh phụ kiện tại Việt Nam còn thấp.

Theo khảo sát của Jetro, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% ở 2013 lên đến 37% năm 2022. “Mặc dù tỷ lệ nội địa hóa tăng trưởng nhưng vẫn chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của hai nước”, ông Nakajima Takeo nhận định.

Tiếp đến, trong tổng số lượng nội địa hóa, tỷ lệ mua sắm linh phụ kiện từ các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 15%. Con số này thấp hơn các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia. Vì vậy, ông Nakajima Takeo cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.


Hiện nay, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ Dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP nhằm tạo ra những cú huých cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Nhìn rõ những tồn tại, rào cản trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ Dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo ra những cú huých cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Với khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay, Bộ Công Thương đề xuất, doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển sẽ được hưởng các ưu đãi, gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Dự thảo xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Xúc tiến thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ...

Về vốn, Bộ Công Thương đề xuất, ngân sách trung ương hỗ trợ cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp để đầu tư dự án. Mức cấp bù chênh lệch lãi suất được đề xuất là 3%/năm. Thời gian được nhà nước hỗ trợ tín dụng bằng thời hạn cho vay, nhưng không quá 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Chính sách này áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân thực hiện đến hết năm 2030.

Theo các chuyên gia kinh tế, động thái trên được kỳ vọng sẽ tạo “cú huých” cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

 

Nguồn: Moit.gov

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.002.063