VITIC
Thị trường trong nước

Công bố thủ tục hành chính mới được ban hành và bị bãi bỏ trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương

26/06/2024 15:42

Ngày 16/5/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1200/QĐ-BCT về việc công bố thủ tục hành chính mới được ban hành và bị bãi bỏ trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương.

Theo đó, Bộ Công Thương bãi bỏ 01 thủ tục hành chính cấp Trung ương và công bố mới 01 thủ tục hành chính cấp tỉnh về Xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Đối với thủ tục hành chính cấp tỉnh về Xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ, quy trình thực hiện cụ thể như sau:

1. Trình tự thực hiện

- Cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ (viết tắt là Nghị định số 43/2024/NĐ-CP), tự mình hoặc ủy quyền bằng văn bản theo quy định của pháp luật cho cá nhân khác lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc trực tuyến 01 bộ hồ sơ theo thời gian quy định trong Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” đến Sở Công Thương nơi cá nhân đề nghị xét tặng.

- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra về tính hợp lệ, đầy đủ của các giấy tờ, tài liệu của hồ sơ theo quy định và trả lời bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ cá nhân không hợp lệ, cần bổ sung, chỉnh sửa, cơ quan tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để cá nhân hoàn thiện hồ sơ. Trong thời hạn 15 ngày tính từ khi nhận lại hồ sơ, cá nhân hoàn thiện và nộp hồ sơ đến cơ quan tiếp nhận.

- Các cơ quan chuyên môn đề nghị thành lập các Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ theo từng lần xét tặng, gồm: Hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Hội đồng cấp tỉnh), Hội đồng chuyên ngành cấp bộ, Hội đồng cấp Nhà nước.

* Trình tự xét tặng tại Hội đồng cấp tỉnh:

- Công khai danh sách các cá nhân đề nghị xét tặng trên các phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Báo, Cổng thông tin điện tử, Đài phát thanh truyền hình…), thời gian ít nhất 15 ngày trước khi họp Hội đồng;

- Tổ chức thẩm định hồ sơ, tiến hành xét chọn:

+ Thẩm định nội dung các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét việc đáp ứng tiêu chuẩn của cá nhân đối với từng danh hiệu theo quy định tại Nghị định số 43/2024/NĐ-CP;

+ Tổ chức đánh giá thực tế cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” tại cơ sở sản xuất;

+ Tiếp nhận, xử lý kiến nghị của tổ chức, cá nhân (nếu có) và tiến hành bỏ phiếu kín để chọn cá nhân có đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trình Hội đồng chuyên ngành cấp bộ;

+ Thông báo công khai kết quả xét chọn trên các phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Báo, Cổng thông tin điện tử, Đài phát thanh truyền hình…), thời gian ít nhất 15 ngày;

+ Gửi văn bản báo cáo về kết quả xét chọn của Hội đồng cấp tỉnh cùng với 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 12 Nghị định số 43/2024/NĐ-CP kèm tệp tin điện tử của hồ sơ (trừ văn bản có nội dung bí mật nhà nước) đến Hội đồng chuyên ngành cấp bộ theo thời gian quy định trong Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”;

+ Thông báo bằng văn bản kết quả xét chọn đến cá nhân đã gửi hồ sơ đề nghị.

2. Cách thức thực hiện

- Trực tiếp đến Sở Công Thương;

- Qua bưu chính;

- Trực tuyến.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ

- Thành phần hồ sơ:

+ Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” theo Mẫu số 01 và Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 43/2024/NĐ-CP;

+ Có một trong các tài liệu chứng minh những đóng góp đối với việc giữ gìn, truyền nghề, dạy nghề: Băng hoặc đĩa hình hoặc ảnh mô tả các kỹ năng, kỹ xảo đang nắm giữ hoặc bản chứng thực trong trường hợp cá nhân nộp hồ sơ qua đường bưu điện, bản photocopy (có bản gốc để đối chiếu) trong trường hợp cá nhân nộp trực tiếp giấy chứng nhận hoặc quyết định tặng thưởng Huân chương, Huy chương, Giải thưởng, Bằng khen hoặc các tài liệu khác liên quan.

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ

4. Thời hạn giải quyết

Thời gian tổ chức hoạt động xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ tại Hội đồng cấp tỉnh không quá 90 ngày.

5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân là người Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

6. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Hội đồng cấp tỉnh.

- Cơ quan trực tiếp thực hiện: Sở Công Thương

7. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Thông báo bằng văn bản kết quả xét chọn đến cá nhân đã gửi hồ sơ đề nghị.

8. Phí, lệ phí: Không quy định

9. Tên mẫu tờ khai:

- Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu ‘‘Nghệ nhân nhân dân” theo mẫu số 1 (kèm theo).

- Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu ‘‘Nghệ nhân ưu tú” theo mẫu số 2 (kèm theo).

10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

a) Cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” đạt các tiêu chuẩn sau:

“Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được tặng cho cá nhân quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định số 43/2024/NĐ-CP đã được tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ và đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.

2. Có thời gian hoạt động liên tục trong nghề thủ công mỹ nghệ hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên.

3. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; được đồng nghiệp và Nhân dân mến mộ, kính trọng; là đại diện tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước.

4. Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, cụ thể:

a) Sau khi đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, Nghệ nhân phải trực tiếp thiết kế, chế tác được 02 sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao, đạt một trong các tiêu chí: Đạt giải nhì trở lên các cuộc thi liên quan đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức trong phạm vi cả nước; được Nhà nước Việt Nam cử tham gia các hoạt động trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ đạt thành tích từ giải ba khu vực, quốc tế trở lên; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tiêu biểu, đánh giá phân hạng cấp quốc gia trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.

b) Trường hợp “Nghệ nhân ưu tú” trên 70 tuổi, không đáp ứng tiêu chuẩn tại điểm a khoản này thì phải đạt một trong các tiêu chuẩn: Là người dân tộc thiểu số (hiện đang làm nghề và sinh sống ổn định tại vùng dân tộc thiểu số từ 05 năm trở lên); có 02 sản phẩm, tác phẩm trở lên được chọn làm tặng phẩm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng khách cấp cao nước ngoài theo quy định về nghi lễ đối ngoại; được bảo tàng cấp quốc gia lựa chọn làm hiện vật trưng bày; được sử dụng vào công trình phục chế di tích lịch sử - văn hoá (công trình biểu trưng văn hóa) cấp quốc gia.

5. Có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước; nắm giữ kỹ năng, bí quyết nghề, truyền dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề thủ công mỹ nghệ đặc thù hoặc từ 20 cá nhân trở lên hiện đang làm nghề trên 10 năm tại các cơ sở sản xuất hoặc từ 01 cá nhân trở lên được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ”.

b) Cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” đạt các tiêu chuẩn sau:

“Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được tặng cho cá nhân quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định số 43/2024/NĐ-CP đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.

2. Có thời gian hoạt động liên tục trong nghề thủ công mỹ nghệ hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên.

3. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và Nhân dân mến mộ, kính trọng; là đại diện tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương.

4. Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, cụ thể:

a) Trực tiếp thiết kế, chế tác được ít nhất 10 tác phẩm, sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao.

b) Đã có sản phẩm, tác phẩm đạt một trong các tiêu chí: Đạt từ giải nhì trở lên trong các cuộc thi liên quan đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức phạm vi cấp tỉnh hoặc giải ba trở lên trong phạm vi cả nước; được Nhà nước Việt Nam cử tham gia các hoạt động trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ đạt thành tích từ giải ba khu vực, quốc tế trở lên; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tiêu biểu, đánh giá phân hạng cấp quốc gia trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ; được bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng cấp tỉnh lựa chọn làm hiện vật trưng bày; được sử dụng làm mẫu phục vụ công tác giảng dạy trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học; được sử dụng vào công trình phục chế di tích lịch sử - văn hoá (công trình biểu trưng văn hóa) cấp tỉnh, cấp quốc gia.

5. Có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương; nắm giữ kỹ năng, bí quyết, truyền dạy nghề cho từ 100 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề thủ công mỹ nghệ đặc thù hoặc từ 15 cá nhân trở lên hiện đang làm nghề trên 10 năm tại các cơ sở sản xuất”.

11. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính

- Luật Thi đua, khen thưởng ngày 15 tháng 6 năm 2022;

- Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

- Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.
 

Chi tiết Quyết định xem tại đây./.

 

Nguồn: Moit.gov
Link nguồn

Tin cũ hơn
  • Bắc Giang tăng cường xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại các thị trường lớn thông qua sàn thương mại điện tử
    Cuối năm 2023 đến nay, thời tiết diễn biến bất thường, không thuận lợi cho cây vải đến kỳ ra hoa; dẫn tới sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm 2023 giảm so với năm trước. Dự báo sản lượng vải toàn tỉnh trong năm 2024 đạt khoảng 100.000 tấn; thời gian thu hoạch vải thiều từ ngày 20/5, kết thúc cuối tháng 7/2024. Năm 2024, giá bán vải thiều dao động từ 25.000 – 70.000 đồng/kg. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu với diện tích gần 17.200 ha và 40 cơ sở đóng gói quả vải tươi xuất khẩu.
  • Cơ hội mở rộng cho các doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện ô tô của Việt Nam
    Ngày 20/6/2024, Triển lãm thương mại ngành dịch vụ ô tô Việt Nam Automechanika 2024 đã diễn ra tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh.
  • Gia tăng cơ hội xuất khẩu đối với các sản phẩm quần áo denim của Việt Nam
    Theo Công ty Balaji Enterprises (Ấn Độ)- đơn vị tổ chức Triển lãm quốc tế lần thứ 6 về Denim, dệt kim và chuỗi cung ứng quần áo thể thao (Denimsandjeans), Việt Nam đã xuất khẩu hơn 65-70 triệu sản phẩm quần áo denim mỗi năm và số lượng này dự kiến sẽ tăng lên vào năm 2024, với các đơn đặt hàng lớn đang đến và ngày càng nhiều đầu tư được thực hiện để tận dụng EVFTA.
  • Một số điểm sáng tình hình kinh tế – xã hội tháng Năm và 5 tháng đầu năm 2024
    Trong năm tháng đầu năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tình trạng bất ổn an ninh, chính trị leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn rủi ro tới sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu; kinh tế thế giới bước đầu phục hồi nhưng còn chậm; thiên tai, biến đổi khí hậu tác động tới kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.996.373