VITIC
Thị trường trong nước

Cơ hội xuất khẩu trực tuyến nhờ thương mại điện tử

15/08/2024 09:23

Theo PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), thương mại điện tử xuyên biên giới đang có những cơ hội phát triển rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam gần với thị trường rất lớn là Trung Quốc.

Hơn nữa, hiện nay các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã xây dựng các nền tảng thương mại điện tử B2B, kết nối với các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới như: Amazon, Alibaba, Timo... để hàng hóa khi lên sàn thương mại điện tử của Việt Nam cũng tương ứng xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới, kết nối người mua trực tiếp với người bán cũng như nhà sản xuất.


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hiệu quả kênh xuất khẩu này cần có nhiều giải pháp từ cơ chế chính sách đến thích ứng với yêu cầu của thị trường. Chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, xuất khẩu hàng hóa dịch vụ, kể cả thương mại điện tử Việt Nam vẫn cơ bản chịu sự chi phối của thương hiệu và kênh phân phối nước ngoài. Cũng giống như xuất nhập khẩu nói chung, ông Võ Trí Thành cho rằng, doanh nghiệp phải vươn lên xây dựng được thương hiệu Việt Nam, có được nền tảng kết nối với những nền tảng lớn hơn, quốc tế hơn.

Một khía cạnh nữa là hiện nay Việt Nam có khoảng 5.000 – 6.000 mặt hàng OCOP, nhưng số hàng có thể xuất khẩu được 5 sao thì rất ít. Do đó để xuất khẩu trực tuyến phải đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, mức độ quy mô, hàng hoá đáp ứng xu thế tiêu dùng xanh, an toàn. Đặc biệt, “Hàng hoá phải gắn với những câu chuyện của Việt Nam, đó là con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, truyền thống Việt Nam, cách làm Việt Nam”, ông Võ Trí Thành nêu và cho biết thêm, tại các hội thảo quốc tế đã bàn nhiều hơn về thương mại số, kinh tế. Trong đó, đề cập nhiều hơn về những câu chuyện mặt hàng lớn, quy mô lớn. Do đó, bên cạnh hoàn thiện cái đang làm, cần làm cho tốt hơn để bắt kịp xu thế phát triển của thị trường, đồng thời phải chuẩn bị cho xu thế phát triển mạnh mẽ hơn của hoạt động thương mại điện tử toàn cầu.

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), để tối ưu hoá tiềm năng thương mại điện tử của Việt Nam là bài toán đường dài. Định hướng của kế hoạch tổng thể thương mại điện tử cho giai đoạn 5 năm tới mà Bộ Công Thương đang tham mưu trình Chính phủ, đó là thương mại điện tử hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm “Made in Vietnam” ra thị trường quốc tế và có tính cạnh tranh trên thị trường đó, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các nhà sản xuất có thể bán hàng ra thị trường toàn cầu.

Theo bà Lại Việt Anh, để phát triển bền vững phải cân bằng tất cả các yếu tố tham gia thị trường, từ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp quốc tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nội địa; đồng thời giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp thương mại; giữa người bán hàng và người tiêu dùng…

Bên cạnh đó, bà Lại Việt Anh cho rằng, những nỗ lực của Chính phủ trong việc kết nối dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể độc lập được điều chỉnh bởi pháp luật, giữa cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và những nền tảng thương mại điện tử lớn là đầu vào để giải quyết được rất nhiều bài toán về thực thi pháp luật, về thể chế trong tương lai, bảo vệ người tiêu dùng, xử lý hành vi không lành mạnh trên môi trường điện tử.


 

Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.053.106