VITIC
Xuất nhập khẩu

Cơ hội xuất khẩu thủy sản, nông sản, đồ gỗ sang UAE

29/10/2024 14:23

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất - UAE (CEPA) được ký kết chỉ sau hơn 1 năm đàm phán đã mở ra cơ hội tăng tốc xuất khẩu cho nhiều ngành hàng lợi thế của Việt Nam sang UAE và các nước Trung Đông.


Ảnh minh họa

Về triển vọng xuất khẩu khi có FTA, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: Ngay khi CEPA có hiệu lực sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu của ta sang thị trường này và từ đó sang các nước Trung Đông. Theo đó, UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu".

Mặt hàng lợi thế đầu tiên là nông sản. Các sản phẩm nông nghiệp như hạt điều, hạt tiêu và mật ong sẽ có cơ hội thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường UAE và Trung Đông nhờ thuế giảm. Đây là khu vực có nhu cầu lớn về nông sản chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm sạch và hữu cơ cũng như có chứng chỉ Halal.

Thứ hai là hàng tiêu dùng bao gồm dệt may, da giày, điện tử... vốn là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, và việc cắt giảm thuế quan từ CEPA sẽ giúp các sản phẩm này cạnh tranh tốt hơn về giá cả và mở rộng thị phần tại UAE.

Thứ ba là hàng thủy sản. Với nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao cấp tại UAE, đặc biệt là các sản phẩm tôm và cá, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng cường xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm nhờ vào ưu đãi từ CEPA.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho hay: UAE là 1 trong những khách hàng tiêu thụ nhiều cá tra Việt Nam. Việt Nam đồng thời là nguồn cung cá tra lớn nhất tại thị trường này, chiếm 40 - 50% thị phần tại UAE, chủ yếu là phile cá tra đông lạnh

UAE có hàng loạt những yếu tố phù hợp để trở thành 1 trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như: Đứng hàng đầu về kinh tế trong các nước Ả rập và đứng thứ 17/61 nền kinh tế có tính cạnh tranh cao trên thế giới, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người cao hơn mức trung bình của thế giới, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 1%, do đó đến 90% lượng thủy sản tiêu thụ của quốc gia này đến từ việc nhập khẩu.

Đối với gỗ và các sản phẩm từ gỗ, Bộ Công thương tính toán, đây là mặt hàng cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể từ CEPA. Hầu hết các mặt hàng gỗ, đồ trang trí nội thất tại UAE đều phải nhập khẩu. Với tốc độ đô thị hóa nhanh và các dự án bất động sản cao cấp tại UAE, nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất và vật liệu xây dựng là rất lớn.

Theo Thương vụ Việt Nam tại UAE, doanh thu sản phẩm nội thất tại thị trường này lên tới 4 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến sẽ tăng trưởng hàng năm 4,12% (giai đoạn 2023-2027). Trong đó, phân khúc lớn nhất là nội thất phòng khách, trị giá lên đến 1,08 tỷ USD năm 2023.

Hiện Việt Nam đang xếp thứ 15 trong danh sách xuất khẩu nội thất sang UAE, sau các doanh nghiệp Trung Quốc, Đức, Ấn Độ...

Với việc hai bên có CEPA, khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại UAE chắc chắn sẽ tăng lên, là cơ hội để doanh nghiệp Việt đuổi kịp, thậm chí là vượt lên các đối tác khác ở thị trường quan trọng này.



 

Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.997.218