Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam
Ngày 07/06/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Xu hướng thị trường và cơ hội xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào các hệ thống phân phối quốc tế”.
Hội thảo là một trong số nhiều hoạt động nằm trong Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế 2024” (Viet Nam International Sourcing 2024) do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 06 đến ngày 08/6/2024 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo - Ảnh: Báo Công Thương
Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin cập nhật, nhận định chuyên sâu về những thay đổi trong nhu cầu, thị hiếu, xu hướng tiêu thụ; xu thế phát triển, chuyển đổi của các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm; cũng như những khuyến nghị cụ thể để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như nắm bắt và thích ứng tốt hơn với các tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia Hội thảo có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ với các nhà nhập khẩu, thu mua nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, đưa các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào hệ thống phân phối quy mô lớn của nước ngoài.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, mặc dù nền kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023 làm tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm, tuy nhiên xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng trưởng ấn tượng, là "điểm sáng" trong hoạt động xuất khẩu, đóng góp tích cực vào thặng dư thương mại.
Bước sang năm 2024, đà tăng trưởng được duy trì ổn định, cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sang các thị trường chính đều có kim ngạch tăng trưởng dương như sang Hoa Kỳ (tăng 23,9%), Trung Quốc (tăng 8,6%), Nhật Bản (tăng 6,6%) và cùng với đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng trong ngành nông nghiệp cũng đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái như: cà phê đạt 2,9 tỷ USD (tăng 44,1%), gạo đạt 2,65 tỷ USD (tăng 38,2%), rau quả đạt 2,59 tỷ (tăng 28,1%), tôm đạt 1,3 tỷ USD (tăng 7,5%)…
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm, Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển sản xuất cả nông, lâm và thuỷ sản. Sản lượng nông sản, thực phẩm sản xuất hàng năm không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu như năm 1990, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam chỉ khoảng 20 triệu USD, đến nay đã vượt mốc 53 tỷ USD/năm.
Hiện Việt Nam là nhà cung ứng đứng thứ nhất thế giới về hạt điều, hạt tiêu; thứ hai thế giới về cà phê và lớn thứ ba về gạo. Thuỷ sản Việt Nam cũng có bước tiến vượt bậc khi vượt qua các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất để tham gia chuỗi cúng ứng tại thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc; phát triển nhiều sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao.
Thông tin về thị trường EU, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân cho biết, mỗi năm EU nhập khẩu hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản nhưng nông sản từ Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 4% trong số đó. Điều này cho thấy, dư địa để tăng thị phần cho nông sản Việt Nam tại đây là rất lớn. Tuy nhiên, EU là một thị trường đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng và cập nhật thường xuyên các quy định nhập khẩu. “Vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào EU, các doanh nghiệp Việt Nam phải thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, gia tăng khả năng đáp ứng các tiêu chí sản xuất - vận chuyển - tiêu dùng bền vững.” - ông Trần Ngọc Quân nhận định.
Cũng tại Hội thảo, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đã công bố cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp nhập khẩu nông sản, thực phẩm, đồ uống của EU. Dữ liệu được chia thành 27 trường thông tin, tương ứng với 27 nước thành viên EU. Mỗi tệp dữ liệu có từ 12 đến 15 ngành hàng gồm: chè - cà phê, sản phẩm sữa, đông lạnh, hải sản, thịt, các loại mỳ, rau quả, đồ uống, ngũ cốc, đường - mật ong, gia vị, đồ organic, thực phẩm chế biến đông lạnh, dinh dưỡng thể thao. Tùy vào số lượng các nhà nhập khẩu liên quan, mỗi ngành hàng có khoảng gần 100 doanh nghiệp bản địa. Tổng cơ sở dữ liệu khoảng 10.000 doanh nghiệp nhập khẩu uy tín trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm và đồ uống.
Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp
-
Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, trong 5 tháng đầu năm 2024 cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương (gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước) đồng thời cho thấy kết quả rất khả quan, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế.
-
Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản hàng đầu thế giới, tuy nhiên sự cạnh tranh về mặt hàng nông sản, trái cây cùng loại giữa các nước xuất khẩu ngày đang ngày càng khốc liệt.
-
Những năm qua, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, hoạt động xuất khẩu nói riêng, công tác kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế về kinh tế nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
-
Chiều ngày 31/5/2024 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ ở nước ngoài tháng 05 năm 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ” nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng trong việc phát triển và khai thác thị trường cho mùa vụ năm nay cũng như xây dựng kế hoạch cho sản phẩm mùa vụ sau. Hội nghị được tổ chức trong thời điểm khi nhiều địa phương trên cả nước đang bước vào vụ thu hoạch các sản phẩm trái cây như nhãn, vải, mận ở miền Bắc; nho, dưa hấu, thanh long ở miền Nam…