Cơ hội lớn từ Hiệp định EVFTA: Nỗi lo nguyên liệu của dệt may
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8, mở ra cơ hội hàng rào thuế quan lớn chưa từng có cho hàng Việt vào thị trường hơn 500 triệu dân EU. Nhưng riêng đối với ngành dệt may Việt Nam, cơ hội lớn này sẽ không dễ được tận dụng sớm vì bài toán nguyên liệu vẫn là câu hỏi đau đầu.
Ảnh minh hoạ
Quy mô thị trường EU hiện có khoảng 500 triệu dân, GDP đạt 18.292 USD năm 2019, chiếm 22% GDP toàn cầu. Trong đó, tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may khoảng 250 tỷ USD/năm, chiếm 34% tổng cầu dệt may thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi EU năm 2019 đạt khoảng 5,5 tỷ USD, chiếm thị phần 2,2%, xấp xỉ thị phần của Campuchia, đứng sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan.
Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu mạnh cho dệt may Việt Nam vào EU khi khoảng 77% kim ngạch xuất khẩu sẽ về 0% sau 5 năm, trong đó khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Còn lại khoảng 23% kim ngạch xuất khẩu về 0% sau 7 năm. Dệt may Việt Nam kỳ vọng tăng gấp đôi thị phần sau 5 năm, chiếm khoảng 5%. Tuy nhiều cơ hội về chính sách đang mở ra như vậy nhưng trên thực tế doanh nghiệp dệt may hiện vẫn chưa biết chạy đường nào để về đích.
Nỗi lo về xuất xứ nguyên liệu
Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean) hiện xuất khẩu khoảng 15% hàng hóa vào châu Âu, 70% vào Mỹ và 10% vào Nhật. Cũng như rất nhiều công ty dệt may khác tại Việt Nam, cảm nhận được những cơ hội to lớn từ EVFTA nhưng trên thực tế VitaJean cho biết cơ hội này chưa thể một sớm một chiều biến thành “tiền tươi thóc thật” cho nhiều doanh nghiệp được.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Vitajean nhận định: “Ảnh hưởng của EVFTA đối với ngành dệt may được chia ra cho nhiều nhóm đối tượng doanh nghiệp. Hiệp định này thực sự mang lại thuận lợi to lớn cho những doanh nghiệp dệt may đã xuất khẩu hàng vào EU và giờ đây họ đã am hiểu thị trường, có vốn lớn để tung ra những sản phẩm cốt lõi, cạnh tranh với thương hiệu đến từ các quốc gia khác. Còn đối với những doanh nghiệp dệt may chưa tham gia vào thị trường này và có vốn ít, nhân công chưa tốt thì hiện chỉ ảnh hưởng về mặt chiến lược của các công ty này vì họ chưa thể tận dụng được những thuận lợi mà EVFTA mang lại”.
Ông Việt cho biết, để hàng hóa xuất khẩu được vào EU và tận dụng được ưu đãi thuế cao như hiệp định EVFTA đã ký kết thì doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tự nâng tầm của mình rất nhiều nữa. Bản thân là một doanh nghiệp đã xuất khẩu vào thị trường này, ông cho biết đây là một thị trường rất khó tính, bởi EU không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này riêng về mặt chất lượng sản phẩm mà còn “soi” đến cả trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ví dụ như trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường, với người lao động rất kỹ.
Và trong các điều khoản của EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu được hàng dệt may vào EU và hưởng được ưu đãi thuế quan như đã nói ở trên thì các doanh nghiệp dệt may không được sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc, một yêu cầu khá khó khăn cho phần lớn doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay. Yêu cầu về nguyên liệu sản phẩm của EU rất khắt khe, trong khi đó nguồn nguyên liệu dệt may do Việt Nam sản xuất (được gọi là nguyên liệu nội khối) đạt chất lượng cao hiện không đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp dệt may Việt. Theo ước tính của Hội dệt may thêu đan TPHCM, nguyên liệu sản xuất nội khối cả nước ước chỉ đạt khoảng 20%-30% nhu cầu nguyên liệu của ngành dệt may.
Trong khi đó, cũng theo ước tính của ông Việt, nếu doanh nghiệp dệt may Việt Nam “tạm thời” sử dụng nguồn nguyên liệu ngoại khối (nguyên liệu nhập khẩu) từ các thị trường được EVFTA chấp nhận như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ… thì đó thực sự là bài toán cân não về doanh thu, dòng tiền và lợi nhuận của các doanh nghiệp. Bởi nếu doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu dệt may từ Thổ Nhĩ Kỳ thì “đường đi” của nguyên liệu sẽ rất lâu, rất dễ kẹt dòng tiền. Còn việc nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, tuy có dễ hơn trong vấn đề vận chuyển nhưng chi phí cho nguyên liệu lại chênh lệch lớn.
“Nguồn nguyên liệu nào để tận dụng được lợi thế thuế của EVFTA thực sự là điều mà hầu hết các doanh nghiệp dệt may chúng tôi đang lo lắng. Đó chính là lý do mà hiện nay doanh nghiệp dệt may vẫn chưa cảm nhận được tính hiệu quả của EVFTA đối với ngành của mình”, bà Lê Nguyên Trang Nhã, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Viking Việt Nam nói.
Cần chính sách đầu tư sản xuất nguyên liệu dệt may
Nhìn nhận EVFTA có hiệu lực giữa lúc tình hình dịch bệnh COVID-19 đang hành hoành trên toàn thế giới, trong đó có EU, bà Lê Nguyên Trang Nhã, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Viking Việt Nam - đơn vị có 70% hàng hóa xuất đi các nước châu Âu cho biết: “Thời điểm này, đơn hàng đi EU của chúng tôi giảm đáng kể. Các nước EU đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nên nếu nhìn nhận tích cực thì đây cũng là lúc các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thời gian để cố gắng thật tốt đón đầu cơ hội cho tình hình ổn định của thị trường EU sau dịch cộng với những ưu đãi thuế từ EVFTA mà chúng ta đã ký kết thành công”.
Nhận xét việc ký kết thành công EVFTA là cú hích lớn cho ngành dệt may về chiến lược, ông Việt cho rằng, để ngành dệt may về lâu dài mang lại nhiều GDP cho đất nước, các chính sách về ngành dệt may của Việt Nam cần phải hướng đích nhiều hơn. “Chúng tôi được tập huấn về EVFTA nhiều nhưng việc tập huấn này diễn ra cùng với các ngành khác, nên các nội dung mà ngành dệt may cần Chính phủ hỗ trợ không được chú ý tập trung. Theo tôi, việc đầu tiên để doanh nghiệp dệt may đón được cơ hội lớn từ EVFTA là chúng tôi cần được tập huấn theo ngành và xử lý vấn đề theo ngành để sâu sát và đạt hiệu quả”.
Có hơn 30 năm trong nghề dệt may, ông Việt cho rằng trong chuỗi cung ứng dệt may thế giới, dệt may Việt Nam hiện phần lớn chỉ đáp ứng được yêu cầu về giá rẻ và cũng phát triển phân khúc này rất nhiều nên trong cuộc cạnh tranh với các thị trường vào EU như Campuchia, Trung Quốc, Bangladesh… không hề dễ dàng. “Ngành dệt may cần một chiến lược chủ đạo từ nay đến 2030 và đến 2040, mà bắt đầu từ việc chủ động nguồn nguyên liệu”, ông Việt nêu ý kiến.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết TPHCM hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp dệt may nhưng hiện nay phần lớn doanh nghiệp dệt may vẫn chưa quan tâm đến EVFTA bởi “xuất xứ nguyên liệu” để hưởng ưu đãi từ EVFTA là rất khó. Theo ông Hồng, từ lâu, các doanh nghiệp dệt may đã đề xuất việc chủ động nguồn nguyên liệu trong nước để doanh nghiệp tận dụng tốt các hiệp định thương mại, mà hiện nay là hiệp định EVFTA nhưng đến hiện tại nguồn nguyên liệu trong nước cung cấp cho doanh nghiệp vẫn thiếu hụt và bị động.
“Con đường dài để ngành dệt may Việt Nam phát triển là chúng ta cần phải có chính sách kêu gọi đầu tư sản xuất nguyên liệu cho ngành dệt-nhuộm sao cho các nhà đầu tư thấy có cơ hội để phát triển nguyên liệu dệt may tại Việt Nam. Sự thực thì đất nước Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành một nơi cung ứng nguyên liệu dệt-nhuộm cao cấp nhưng chúng ta vẫn chưa có những nhà đầu tư đủ tầm muốn đầu tư vào ngành này”.
Bên cạnh chính sách kêu gọi đầu tư cho “đầu vào” sản phẩm dệt may, cũng theo ông Hồng, để EVFTA được các doanh nghiệp “hấp thụ” thì ngành dệt may hiện đang cần hỗ trợ thêm về việc liên kết với nhà cung ứng là khách hàng từ EU, cần thêm kết nối giữa nhà cung ứng và nơi tiêu thụ phù hợp với điều kiện hiện có của ngành.
Nguồn: Báo Chính phủ
Link nguồn
-
Tổng cục Hải quan vừa có công văn gửi cục hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn về việc áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu đối với 7 nhóm hàng
-
Liên quan đến việc xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) bị làm giả xuất xứ, mạo danh mã số vùng trồng khiến phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu
-
Tổng cục Hải quan đã phân loại mặt hàng gỗ ghép thanh vào mã HS 44.18 với mức thuế xuất khẩu 0%; thông báo thay thế Văn bản 4250/TB-TCHQ ngày 24/6/2020 sau khi xem xét kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội và các bộ, ngành liên quan.
-
7 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.