Chống dịch COVID-19: Kiên trì nguyên tắc, linh hoạt chiến thuật
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang hết sức phức tạp hiện nay, chúng ta cần tiếp tục kiên định các nguyên tắc, phương châm chống dịch nhưng phải có chiến thuật linh hoạt, phù hợp, lường trước các tình huống mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngắt dịch sớm Việt Nam sẽ tận dụng được thời cơ, lợi thế của nước trở thành điểm đầu tư, điểm đến an toàn trước các nước khác. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc diễn tập phòng, chống dịch COVID-19 trong toàn quân do Bộ Quốc phòng tổ chức, sáng 4/3.
Phó Thủ tướng nêu lên 5 điểm mới cần lưu ý trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Trước hết là tình huống từ một tâm dịch nay dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện thêm nhiều tâm dịch, lây lan rộng ra cộng đồng. Do vậy, chúng ta phải lường trước, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống có thể xuất hiện thêm ca nhiễm COVID-19 mới tại Việt Nam có thể ngay trong giờ tới, ngày tới. Dù xác định hay không xác định được nguồn lây nhiễm, chúng ta đều phải nhanh chóng cách ly, điều trị kịp thời, khoanh vùng triệt để, tránh lây lan rộng ra cộng đồng.
Nếu giai đoạn trước, chúng ta tập trung vào ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài, thì hiện nay dịch bệnh đã lan rộng ra hàng chục nước nên bên cạnh việc tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, thì cần chuyển sang giai đoạn phát hiện sớm các ca nhiễm tại cơ sở y tế, cộng đồng để kịp thời điều trị, khoanh vùng, dập dịch triệt để.
Tình huống sẽ thiếu các loại vật tư y tế, trang thiết bị, thuốc điều trị COVID-19 ở quy mô toàn cầu phải được tính đến để có phương án chuẩn bị các phương tiện, vật tư thay thế, không để bị động.
Chúng ta cũng cần xem xét, phân tích, dự báo kịch bản dịch bệnh COVID-19 gây xáo trộn các chuỗi cung ứng về sản xuất kinh doanh dịch vụ toàn cầu dẫn đến kinh tế thế giới có xáo trộn, thậm chí là các chương trình nghị sự ở tầm quốc tế về kinh tế, chính trị sẽ có xáo trộn.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học phải khẩn trương nghiên cứu, giải đáp câu hỏi đặt ra về sự tồn tại, hướng biến đổi của virus COVID-19 sau đợt dịch này.
“Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới cần kiên định, kiên trì theo các phương châm chỉ đạo, nguyên tắc chống dịch đã đề ra nhưng sách lược chiến thuật thì thay đổi phù hợp với tình hình”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu tiếp tục tăng cường năng lực cơ sở vật chất dự phòng trang thiết bị vật tư; năng lực phát hiện, cách ly, điều trị ngay tại y tế cơ sở với sự hỗ trợ của các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành bằng các ứng dụng công nghệ thông tin…
Thực tế phòng, chống dịch vừa qua, điển hình là khoanh vùng, cách ly tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng cho thấy cơ chế phối hợp liên ngành cần nhuần nhuyễn hơn nữa.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, dịch bệnh COVID-19 là dịch bệnh mới nên chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, xem xét lại cơ chế phối hợp và kể cả văn bản pháp luật, từ đó đúc kết, rút kinh nghiệm, sửa đổi các văn bản pháp luật cho phù hợp với tình hình mới; xây dựng các kịch bản, phương án, cơ chế điều hành khi có dịch bệnh trong tương lai.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Không được chủ quan, bao giờ dập được dịch hoàn toàn chúng ta mới yên tâm. Tôi có lòng tin, với sự ra quân đồng bộ của cả hệ thống, đặc biệt là của Quân đội, chúng ta sẽ chống dịch thành công. Ngắt dịch sớm Việt Nam sẽ tận dụng được thời cơ, lợi thế của nước trở thành điểm đầu tư, điểm đến an toàn trước các nước khác”.
Với tinh thần quyết tâm: "Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng", Phó Thủ tướng mong muốn Quân đội tiếp tục tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch, góp phần tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, mang lại lòng tin cho nhân dân để cùng nhau chiến thắng dịch bệnh lần này.
Nguồn; Báo Chính phủ
-
Chiều 3/3, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh,
-
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại".
-
Theo đó, số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và lượng hàng hóa còn tồn tại ở các cửa khẩu (Từ ngày 02/03/2020 đến ngày 03/03/2020) cụ thể như sau:
-
Ngày 24 tháng 02 năm 2020, Tòa án thương mại quốc tế Canada (CITT) đã đăng thông báo khởi xướng rà soát hoàng hôn lệnh áp thuế chống bán phá giá đã được ban hành ngày 2 tháng 4 năm 2015