VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Chống buôn lậu, gian lận thương mại: Quản lý thị trường phát huy vai trò lực lượng nòng cốt

27/02/2020 11:06

Trong năm qua, QLTT đã tập trung kiểm tra, kiểm soát các điểm nóng về hàng lậu, hàng giả trên cả nước như 02 trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh; kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả.
 
Thời gian qua, với quyết tâm xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhiều chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại đã được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, cơ quan chức trong việc thực thi pháp luật, thực hiện nhiệm vụ của mình.

Đối với công tác chống buôn lậu, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) có vai trò là đơn vị chủ lực của ngành Công Thương và là 1 trong 7 lực lượng nòng cốt của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia trong cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ
Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và diễn biến phức tạp khi các nền kinh tế lớn có sự cạnh tranh chiến lược và thương mại ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương, sự phối hợp của các Bộ, ngành trung ương và chính quyền các địa phương trên cả nước, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần lành mạnh thị trường trong nước và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.

Đối với ngành Công Thương, bên cạnh những quyết sách, chủ trương chỉ đạo của Bộ thì Tổng cục QLTT là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên phạm vi cả nước. Năm 2019 là năm đầu tiên lực lượng QLTT hoạt động theo mô hình mới là Tổng cục QLTT với mục tiêu nhiệm vụ được xác định quyết liệt hơn, chuyên nghiệp hơn, quy mô hơn trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thị trường nội địa.

Theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục QLTT được thành lập trên cơ sở tổ chức lại lực lượng QLTT theo mô hình ngành dọc, tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương. Mục tiêu đặt ra nhằm xây dựng lực lượng QLTT Chính quy - Chuyên nghiệp - Hiện đại. Đến nay, bộ máy tổ chức của Tổng cục đã cơ bản được kiện toàn, bước đầu xây dựng được nền móng để phát triển ổn định. Theo định hướng chung tinh giản bộ máy tổ chức, tính đến hết năm 2019, Tổng cục đã tinh giảm 235 đội QLTT và sẽ tiếp tục giảm 70 đội vào năm 2020. Việc bổ nhiệm lãnh đạo các cấp trong Tổng cục đang dần hoàn thiện và từng  bước hoàn thành Đề án thành lập 19 Cục QLTT liên tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ.

Quá trình tái cơ cấu lực lượng QLTT đã đạt được những kết quả to lớn trong năm 2019 nhất là trong điều kiện khó khăn và nhiều áp lực. Cùng với viên ổn định tổ chức, các nhiệm vụ được Tổng cục tập trung triển khai đầu tư chiều sâu như công tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật, củng cố địa vị pháp lý của QLTT trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, các lĩnh vực hành chính có liên quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Năm 2020 sẽ là năm lực lượng QLTT ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ. Việc thành lập Tổng cục QLTT được lựa chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật tạo nên dấu ấn thành công trong năm 2019 của ngành Công Thương.

Với mô hình mới, QLTT đã phát huy tính hiệu quả, tạo sự chỉ đạo xuyên suốt từ Tổng cục đến địa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại trong năm qua. Sau 1 năm triển khai thực hiện, mặc dù vừa phải ổn định tổ chức vừa thực hiện các nhiệm vụ nhưng QLTT đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong quản lý, điều hành, nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát, phối hợp giữa các đơn vị trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cùng với sự phối hợp của các ngành chức năng như bộ đội biên phòng, công an kinh tế, hải quan, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội, Hiệp hội Thông tin tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam… và sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ Công Thương, lực lượng QLTT đã thực hiện thành công nhiều vụ lớn, đánh trúng vào các đường dây buôn lậu, ổ nhóm lớn mà trước đây chưa làm được.

Trong năm qua, QLTT đã tập trung kiểm tra, kiểm soát các điểm nóng về hàng lậu, hàng giả trên cả nước như 02 trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh; kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và tại TP. Hồ Chí Minh; các cơ sở sản xuất, kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới, thay đổi tem nhãn thành "made in Việt Nam"; kiểm tra, xử lý 3.108 chai rượu nhập lậu tại tỉnh Quảng Bình; xử lý 02 xe container chứa hàng tấn thực phẩm đông lạnh gồm lưỡi vịt, trứng non, nầm không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nội ngày 30/12/2019; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 03 vụ việc liên quan đến vi phạm về C/O tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tầu, Bình Dương và Vĩnh Phúc; Chuyên án 117-D của Bộ Công an triệt phá đường dây buôn lậu đường tại An Giang và các tỉnh lân cận… Kết quả năm 2019, lực  lượng QLTT đã phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng. Giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy trên 120 tỷ đồng.

Phát huy sức mạnh tổng hợp
Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại cần phát huy sức mạnh tổng hợp, không chỉ của một đơn vị, lực lượng nào mà cần có sự hỗ trợ, phồi hợp của nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương và của toàn dân và thống nhất theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia. Với tinh thần đó, ngay sau khi thành lập, Tổng cục QLTT đã phối hợp với nhiều lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ như với bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, công an, hải quan...; các hội, hiệp hội doanh nghiệp, chính quyền địa phương nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Từ năm 2008, QLTT đã có sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến tháng 5/2019, Tổng cục QLTT đã cùng với Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng ký kết quy chế phối hợp mới trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới. Kết quả phối hợp xử lý giữ Tổng cục QLTT và Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng từ năm 2008 đến giữa năm 2019 tổng số vụ phối hợp kiểm tra là 1.311 vụ; số vụ xử lý 1.103 vụ; số tiền thu nộp ngân sách: 13.930.864.000 đồng. Các mặt hàng xử lý 21.360 bao thuốc lá ngoại, 32.000 kg thuốc lá nhập lậu, 253 kg pháo, 5.850 kg đường các loại, 102.111 lít dầu DO, 3.044 lít xăng, 978 tấn than và hơn 30 m3 gỗ.

Một trong những lực lượng chủ chốt trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp là Tổng cục Hải quan, đơn vị thường trực Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính. Với chức năng “gác cổng” các hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, những  năm qua, lực lượng hải quan đã có sự phối hợp tốt với QLTT góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại diễn biến phức tạp nhận thấy nguy cơ các đối tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam để thực hiện hành vi chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo xuất xứ, gian lận trong việc ghi nhãn hàng hóa, Tổng cục Hải quan tăng cường chỉ đạo kiểm soát chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Trong đó cơ quan Hải quan, tập trung điều tra xác minh một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng, buôn lậu trốn thuế.

Công tác kiểm soát chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa và chuyển tải bất hợp pháp được Tổng cục Hải quan tăng cường trong bối cảnh căng thẳng thương mại diễn biến phức tạp. Trước nguy cơ các đối tượng tội phạm lợi dụng xuất xứ Việt Nam để thực hiện hành vi chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo xuất xứ, gian lận trong việc ghi nhãn hàng hóa, Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát kiểm soát chặt chẽ về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống chuyển tải bất hợp pháp đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu.

Trong năm qua, tính từ 16/12/2018 đến 15/12/2019, lực lượng kiểm soát hải quan toàn ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý: 17.321 vụ vi phạm pháp luật hải quan (tăng 4,14 % so với cùng kỳ năm 2018); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 3.035,3 tỷ đồng (tăng 78,29 % so với cùng kỳ 2018). Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 481 tỷ đồng (tăng 37,08 % so với cùng kỳ 2018). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 51 vụ (giảm 17,74 % so với cùng kỳ 2018). Chuyển cơ quan khác khởi tố 164 vụ (tăng 23,31 % so với cùng kỳ 2018).

Một trong những mặt hàng đặc biệt nguy hại đến xã hội và nghiêm cấm buôn bán, sử dụng là ma túy, công tác đấu tranh phòng chống ma túy trong địa bàn hoạt động được ngành hải quan chú trọng hơn. Hiện nay, hoạt động của tội phạm về ma túy trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không và chuyển phát nhanh vẫn gia tăng, diễn biến phức tạp với việc xuất hiện các phương thức thủ đoạn tinh vi và buôn bán số lượng lớn. Trong năm 2019 (tính đến 15/12/2019), lực lượng hải quan cả nước đã chủ trì, phối hợp bắt giữ 194 vụ án, chuyên án; thu giữ 812 bánh heroin; 260.498 viên ma túy tổng hợp; 176 kg cocain....

Yêu cầu và thách thức trong tình hình mới
Trong thời gian tới, trong tiến trình hội nhập quốc tế, với nhiều chính sách mở cửa thông thoáng, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Để tạo sự chuyển biến căn bản vượt bậc năm 2020, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Bộ Công Thương, lực lượng QLTT quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo của Bộ Công Thương và cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nói chung, đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương và QLTT cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm đồng thời tăng cường công tác phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, hải quan…

Trước những yêu cầu mới của năm 2020, tiềm ẩn nhiều bất ổn của thị trường, lực lượng QLTT sẽ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, không chỉ gói mình trong nhiệm vụ QLTT trong nước, đảm bảo ổn định vĩ mô, lành mạnh thị trường, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng mà còn tập trung với nhiệm vụ mới liên quan đến hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế như chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, chống buôn lậu qua biên giới, cùng cả nước chủ động hội nhập./.
 

-----------******----------

 
Bên cạnh đó, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại số tháng 2/2020 còn có những thông tin đáng chú ý như:
 
Môi trường kinh doanh
- Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương ứng phó với tác động của dịch Covid-19
- Cụm liên kết ngành: Hình thái kinh tế cần được đầu tư phát triển
 
Thị trường – Ngành hàng
- Xuất khẩu thủy sản và cơ hội hậu Covid-19
- Chống buôn lậu, gian lận thương mại Quản lý thị trường phát huy vai trò lực lượng nòng cốt
 
Người Việt - Hàng Việt
Kết nối tiêu thụ nông sản tại các hệ thống phân phối, khắc phục khó khăn do dịch Covid-19

Quốc tế - Hội nhập
- Những xu hướng quản trị doanh nghiệp từ góc nhìn quản trị chuỗi cung ứng
- Nghiên cứu xây dựng mạng lưới phân phối cho sản phẩm công nghiệp Việt Nam tại thị trường ASEAN - Kỳ 3

Doanh nghiệp - Doanh nhân
Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thanh Hóa biến khó khăn thành cơ hội, vững bước phát triển

Trên đường phát triển
Bắc Ninh - Đổi mới tăng trưởng và phát triển bền vững

 
Mọi thông tin Quý độc giả vui lòng liên hệ:
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại
- Địa chỉ: Phòng 509 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn
Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
- Điện thoại:  024 3715 2179/ 37152202; Fax: 024 3715 2202
 
Người liên hệ:    
- Mr. Tuấn;                 0913535939   (tuanvq.vtic@gmail.com)
- Mrs Việt Hằng;        0989153746  ( hanglecnvn@gmail.com)

 

Tạp chí DNTM

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.108.340