Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 giảm nhẹ
(VITIC-DNTM) Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, đồng thời giảm 1,24% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước. Ảnh minh họa
Nguyên nhân chủ yếu của mức giảm này là việc Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; sự chủ động điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương - Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất điều hành và thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động.
Trong mức giảm 0,03% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 so với tháng trước có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó: Nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 2,21% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 28/4/2020 và tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 13/5/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 4,98% (tác động làm CPI chung giảm 0,21%), bên cạnh đó, nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng của các hãng xe ô tô đưa ra nhằm giảm lượng hàng tồn kho làm giá ô tô giảm 0,25%. Nhóm bưu chính viễn thông và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch đều giảm 0,02%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,01% chủ yếu do các cửa hàng thời trang đã áp dụng nhiều chương trình giảm giá để thu hút khách hàng sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,34% (trong đó: lương thực giảm 0,08%; thực phẩm tăng 0,43%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,35%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,25% do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng cao (giá nước khoáng tăng 0,12%, giá nước giải khát có ga tăng 0,05%, giá nước quả ép tăng 0,3%, giá nước uống tăng lực đóng chai tăng 0,35%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,25%, chủ yếu do giá gas tăng 12,08% (làm CPI chung tăng 0,14%) và giá nước sinh hoạt tăng 0,17%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,07%. Riêng nhóm giáo dục không thay đổi.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây (tăng 4,39%).
Lạm phát cơ bản tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 2,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 5 tăng trở lại
Tháng Năm là tháng đầu tiên cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại. Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 5 tăng mạnh 26,9% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2020 ước tính đạt 384,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với tháng trước và giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% và tăng 1,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 95,8% và giảm 33,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 0,4 nghìn tỷ đồng, tăng 780,1% và giảm 87,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 40,8 nghìn tỷ đồng, tăng 91,3% và giảm 9,8%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.913,9 nghìn tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).
Nguồn: TCTK
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng ước tính đạt 1.543,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 6,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 1,7%; may mặc giảm 2,7%; phương tiện đi lại giảm 7,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 8,2%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm tăng nhẹ do các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, đồng thời người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến. Tốc độ tăng/giảm doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Hải Phòng tăng 8,8%; Hà Nội tăng 6,4%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 6%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 1,1%; Cần Thơ giảm 1,1%; Thanh Hóa giảm 1,8%; Nghệ An giảm 3,6%; Đà Nẵng giảm 4%.
Giá vàng tăng, giá USD giảm nhẹ
Cũng theo Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do giới đầu tư lo ngại các nước sẽ đối mặt với triển vọng suy thoái kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19, dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao. Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ và các ngân hàng trung ương trên thế giới đã đưa ra nhiều gói cứu trợ cho người dân và nền kinh tế khiến đồng tiền có nguy cơ bị mất giá khi lượng tiền lớn được đưa ra thị trường và là cơ hội cho giá vàng tăng. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/5/2020 tăng 1,41% so với tháng 4/2020. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5/2020 tăng 2,41% so với tháng trước; tăng 14,84% so với tháng 12/2019 và tăng 30,52% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng USD trên thị trường thế giới giảm trước hàng loạt thông tin kinh tế quan trọng của nước Mỹ được công bố không mấy khả quan, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giữ lãi suất 0% - 0,25%. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá USD tháng 5/2020 giảm 0,41% so với tháng trước; tăng 1,06% so với tháng 12/2019 và tăng 0,29% so với cùng kỳ năm trước.
VITIC-DNTM
-
Công đoàn Bộ Công Thương xác định việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
-
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đang được Quốc hội xem xét phê chuẩn, đánh dấu một bước tiến lớn của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tính cả EVFTA, Việt Nam đã có 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, trong đó có các FTA thế hệ mới với kỳ vọng không chỉ giảm thuế mà cả phát triển đầu tư, dịch vụ và khoa học công nghệ
-
Trong không khí thi đua chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ III, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 26/5/2020 tại Hà Nội, Đảng bộ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
-
Các nước thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã cam kết dỡ bỏ hoặc cắt giảm các chính sách mang tính cản trở thương mại. Tuy nhiên, một số chính sách nhất định nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước vẫn được cho phép thực hiện.