Chế biến điều thô thành nhân điều: Chìa khóa tăng giá trị xuất khẩu hạt điều Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, giữa tháng 12/2024, xuất khẩu hạt điều đã đạt 4,2 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành điều, xuất khẩu hạt điều vượt mốc 4 tỷ USD.
Chế biến điều xuất khẩu; ảnh minh hoạ, nguồn internet
Việc vượt mốc 4 tỷ USD ghi nhận một bước tiến mới của ngành điều sau nhiều năm duy trì kim ngạch xuất khẩu ở mức hơn 3 tỷ USD. Lần đầu tiên ngành điều xuất khẩu vượt mốc 3 tỷ USD là năm 2017. Suốt từ đó đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hạt điều luôn ở mức từ hơn 3 tỷ USD đến gần 4 tỷ USD, với năm đạt cao nhất là 2023 (hơn 3,64 tỷ USD).
Lĩnh vực chế biến điều thô thành nhân điều xuất khẩu rất phát triển, có tốc độ hiện đại hóa nhanh, máy móc hiện đại đã thay thế cơ bản sức lao động thủ công trong dây chuyền chế biến. Công suất chế biến khoảng 2 triệu tấn/năm và đang liên tục tăng lên với tốc độ nhanh. Trong khi đó, lĩnh vực chế biến nhân điều thành thực phẩm cũng đã được quan tâm và có sự đầu tư, đã tăng dần tỉ trọng qua các năm. Nhưng nhìn chung, trong chuỗi giá trị hạt điều toàn cầu, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu điều nhân sơ chế giá trị thấp, trong khi nhân điều thành phẩm đến tay người tiêu dùng chưa phát triển, như vậy Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% chuỗi giá trị ngành điều.
Hoạt động thương mại, xuất khẩu nhân hạt điều, thực phẩm chế biến từ nhân điều đã được mở rộng ra toàn bộ các thị trường phát triển trên thế giới, trong đó EU, Mỹ và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu lớn chiếm trên 90% số lượng xuất khẩu của ngành điều Việt Nam.
Việc xuất khẩu hạt điều vượt mốc 4 tỷ USD, chủ yếu do tăng mạnh về lượng xuất khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/12, lượng hạt điều xuất khẩu đã đạt 696 nghìn tấn, cao hơn nhiều so với lượng xuất khẩu kỷ lục trong năm 2023 (644 nghìn tấn). Như vậy, đến hết năm nay, chắc chắn lượng hạt điều xuất khẩu sẽ có lần đầu tiên vượt mốc 700 nghìn tấn.
Bên cạnh đó, giá xuất khẩu tăng cũng góp phần vào kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.873 USD/tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu hạt điều sang các thị trường truyền thống nhìn chung tăng trưởng tốt trong năm nay, trong đó có nhiều thị trường tăng 2 con số. Cụ thể, 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hạt điều Hoa Kỳ tăng 33%, Trung Quốc tăng 14%, Hà Lan tăng 14%, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tăng 75%, Đức tăng 24%, Canada tăng 30%...
Khánh Huyền (VTIC) thực hiện
-
Xuất khẩu thủy sản tăng tốc trong nửa cuối năm 2024. Theo số liệu hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 11/2024 tăng 16,67% so với tháng 11/2023, đạt gần 917,69 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tháng năm nay lên xấp xỉ 9,17 tỷ USD, dự tính cả năm 2024 sẽ đạt 10,24 tỷ USD, tăng khoảng 14,15% so với năm 2023.
-
Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đạt kết quả tốt, phần lớn do các doanh nghiệp đã chuyển hướng tập trung khai thác các dòng hàng khó, phức tạp, cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng
-
Năm 2024, kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị phụ tùng từ thị trường CPTPP ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so với năm trước và chiếm 11% tỷ trọng trên tổng nhập khẩu nhóm hàng của Việt Nam, giảm nhẹ so với mức tỷ trọng 11,24% trong năm 2023.
-
Trong tháng 11/2024, tỷ trọng trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang CPTPP đạt 9,72% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước ra thế giới, đồng thời chiếm 0,96% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường thuộc CPTPP