Chấn chỉnh, xử lý tiêu cực liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 871/CĐ-TTg ngày 29/9/2022 về chấn chỉnh, xử lý các hành vi tiêu cực liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới đất liền.
Thời gian gần đây, tình trạng môi giới trung gian làm thủ tục hành chính để doanh nghiệp, chủ hàng được nhanh chóng thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu diễn ra ở hầu hết các địa phương có cửa khẩu biên giới đất liền.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến, kịp thời có giải pháp điều tiết hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại các cửa khẩu. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng ùn tắc, "làm luật" với các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, kịp thời phát hiện xử lý những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan rà soát, đánh giá việc thực hiện quy trình, thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới đất liền; đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa quản lý hải quan.
Cùng với đó là thực hiện đúng các quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ hải quan trong quá trình giám sát, kiểm soát phương tiện vận tải, phân loại hàng hóa, phân luồng, thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động đại lý hải quan.
Đồng thời, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp công chức hải quan có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực khi làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng tích cực phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng (Công an, Bộ đội biên phòng, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải…) để rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa…
Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh có cửa khẩu biên giới đất liền để thực hiện Công điện trên.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan
Link nguồn
-
Trong 9 tháng năm 2022, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2022 ước tính tăng 9,63%.
-
Trong tháng 9/2022, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày của cả nước đạt trên 593,49 triệu USD, tăng 3,38% so với tháng trước và tăng 35,96% so với cùng kỳ năm 2021.
-
Đây là nhận định của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) khi đánh giá về tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may Việt Nam trong những tháng cuối năm.
-
Theo cảnh báo từ Mạng lưới các cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) gửi cảnh báo tới cơquan chức năng của Việt Nam về việc sản phẩm pho mát nhập khẩu từ Pháp bị thu hồi do có thể có dị vật (kim loại).