CEAP và tác động tới hoạt động xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang EU
Ngày 27/11/2024, Tạp chí Công Thương đã tổ chức toạ đàm “Kế hoạch của EU về kinh tế tuần hoàn (CEAP) và hệ luỵ đối với doanh nghiệp Việt Nam”. Tham dự toạ đàm, đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, CEAP sẽ có tác động đến 7 nhóm lĩnh vực chính, gồm: thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, nhóm về pin và nhóm về bao bì, nhóm về nhựa, dệt may, da giày... Quy định trọng tâm của CEAP liên quan đến thiết kế sinh thái, sản phẩm bền vững.
Ảnh: Moit.gov.vn
Quy định trọng tâm đó liên quan đến ISPR - là một quy định liên quan đến thiết kế sinh thái, sản phẩm bền vững, đã có hiệu lực từ tháng 7/2024. Những quy định này có thể ảnh hưởng đến một số lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có dệt may và giày dép, các sản phẩm nhựa và bao bì. Trong ISPR có một số quy định liên quan đến việc ngăn chặn, hạn chế tiêu hủy các sản phẩm dệt may, hoặc có những quy định sau này các sản phẩm sẽ phải hộ chiếu kỹ thuật số DPP (DPP là hồ sơ kỹ thuật số cung cấp thông tin toàn diện về sản phẩm và toàn bộ chuỗi giá trị của sản phẩm. DPP sẽ bao gồm các chi tiết thiết yếu như mã định danh sản phẩm duy nhất, tài liệu tuân thủ và thông tin về các chất đáng quan tâm).
Đó là một chiến lược của EU để giúp khối này giảm phát thải ròng bằng 0 sớm nhất có thể vào năm 2050. Và để thực hiện được chiến lược và mục tiêu này thì EU sẽ đưa ra hàng loạt các quy định, trong đó có CEAP với những quy định chi tiết cụ thể đối với từng nhóm hàng, từng lĩnh vực. Nếu những sản phẩm không đáp ứng được những tiêu chuẩn của EU như liên quan đến hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số chẳng hạn, có khả năng không thể thâm nhập được vào thị trường EU.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên cho hay 4 năm thực hiện EVFTA, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của doanh nghiệp tăng gấp đôi sang EU. Tuy nhiên, ngành dệt may phải đối mặt với vấn đề về xuất xứ. Nếu như không đạt được yêu cầu này, sản phẩm sẽ không thể xuất vào EU theo EVFTA và hưởng lợi về thuế quan được, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết. Đồng thời đề xuất cơ quan chức năng giải quyết bài toán nguồn nguyên liệu tại chỗ nhằm đáp ứng về quy tắc xuất xứ phục vụ xuất khẩu, đồng thời đầu tư các khu công nghiệp lớn để thu hút nhà đầu tư sản xuất, tận dụng ưu đãi của EVFTA và đáp ứng tiêu chuẩn xanh của thị trường, cũng như hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Tiến sỹ Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng nhận định, doanh nghiệp nào làm được tốt những quy trình hoặc giải pháp kinh tế tuần hoàn sẽ đạt được hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh tốt hơn những doanh nghiệp khác, bởi tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào, kéo dài được vòng đời sản phẩm… Ông cũng cho rằng, để đầu tư vào chuyển đổi công nghệ sản xuất, cần phải có nguồn lực lớn về tài chính. Đó là vấn đề hạn chế của đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù vậy, những yêu cầu về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược, buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ để tham gia chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh tại các thị trường khó tính.
Tại tọa đàm, đại diện Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ khuyến nghị các doanh nghiệp cần tự trang bị cho mình thông tin thị trường đầy đủ, đúng cùng với đó có những chiến lược cụ thể, chi tiết để sẵn sàng thích ứng với những tiêu chí, quy định khắt khe của thị trường xuất khẩu. Bởi ngoài CEAP, EU cũng ban hành một loạt các quy định khác, trong đó có Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (gọi tắt là CBAM). Mặc dù hiện giờ CBAM chỉ áp dụng đến một số lĩnh vực phát thải lớn trong lĩnh vực công nghiệp như xi măng, sắt, thép… nhưng sau này có thể mở rộng ra những lĩnh vực khác.
Cũng theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, hiện nay có rất nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, sẵn sàng chia sẻ và cũng thường xuyên phối hợp với Bộ Công Thương để hỗ trợ các doanh nghiệp vạch ra được chiến lược cụ thể để thâm nhập vào được thị trường châu Âu.
Trước mắt, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư sản xuất, phải thay đổi quy trình sản xuất, quy trình quản lý; chi phí đầu tư tăng cũng có thể kéo theo chi phí, giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp đáp ứng được những tiêu chuẩn đó cũng có thể sẽ tiếp cận được những đối tượng khách hàng mới. Bên cạnh đó, mặc dù chi phí đầu tư sản xuất để thay đổi, để đáp ứng được những tiêu chuẩn châu Âu ban đầu có thể cao, nhưng khi các doanh nghiệp đã có được chiến lược đầu tư bài bản, họ sẽ thu được những hiệu suất kinh doanh sản xuất tốt hơn thì cũng sẽ giảm được chi phí về lâu dài.
Các chuyên ra cũng chỉ ra rằng, việc sớm triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ và việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm thích ứng với Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn của EU không chỉ giúp doanh nghiệp giữ vững thị phần mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường EU, sau đó mở rộng sang các thị trường lớn, trọng điểm khác. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần phải hành động càng sớm càng tốt, có những hướng dẫn thống nhất và đánh giá phù hợp, có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể, để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không đánh mất lợi thế từ Hiệp định EVFTA và bị loại khỏi chuỗi giá trị toàn cầu.
Về phần mình, các doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi tư duy, chủ động chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn, bền vững. Thích ứng tốt với Chiến lược Thỏa thuận Xanh châu Âu nói chung và Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP) giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa những lợi ích mà EVFTA mang lại.
Quang Chiến (VITIC) tổng hợp
-
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện 9611/CĐ - BCT ngày 26 tháng 11 năm 2024 về việc chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ.
-
Từ ngày 21 đến 23/11/2024, Triển lãm quốc tế Máy móc, thiết bị, công nghệ và sản phẩm công nghiệp - VINAMAC EXPO 2024 đã diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
-
Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư và Phu nhân tới Malaysia từ 21-23/11/2024, ngày 21/11/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục tháp tùng Tổng Bí thư Tô Lâm tại các hoạt động của đoàn chính thức như thăm Đại học Quốc gia Malaysia,
-
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư và Phu nhân tới Malaysia từ 21-23/11/2024, sáng ngày 21/11/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tháp tùng Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân tham dự Tham dự Lễ đón chính thức do Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và phu nhân chủ trì.