VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua sàn thương mại điện tử

06/07/2021 11:31

Nhiều người mua hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã bị một số đối tượng lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, bị lừa đảo, hoặc giao cho hàng giả, hàng nhái.

“Trái đắng” khi đi chợ mạng

Những năm gần đây, TMĐT phát triển mạnh mẽ và trở thành kênh bán hàng mang lại nhiều lợi ích. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát thì loại hình kinh doanh này ngày càng được quan tâm sử dụng và trở nên phổ cập.

Thời gian qua trên cả nước đã xuất hiện nhiều sàn TMĐT thu hút lượng khách hàng lớn như: Sen đỏ, Lazada, Tiki, Shopee… Nhờ đó, người tiêu dùng (NTD) không phải mất thời gian đến trực tiếp các cửa hàng, cũng không phải chờ đợi lâu để thanh toán, mà chỉ cần ở nhà, truy cập internet, thực hiện vài thao tác đơn giản là có thể đặt mua cho mình món đồ mong muốn. Sản phẩm sau đó sẽ được giao đến tận nơi theo yêu cầu của NTD.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực thì giao dịch qua TMĐT hay mua hàng trực tuyến vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, bị lừa đảo, hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái.… khiến NTD hoang mang, lo lắng.

Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, hệ thống tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của NTD của Cục thời gian qua đã nhận được rất nhiều cuộc gọi, đơn thư phản ánh về việc bị một số đối tượng lừa gạt NTD khi thực hiện giao dịch mua sắm trên các gian hàng TMĐT.


TMĐT phát triển mạnh mẽ và trở thành kênh bán hàng mang lại nhiều lợi ích

Đơn cử như trường hợp của anh N.H.T.A, cư trú tại TP.Hồ Chí Minh đặt mua 1 đôi giày trên gian hàng của một sàn TMĐT với giá 689.000 đồng vào tháng 6/2021. Khi đơn hàng đã đặt chưa được giao cho anh, có 1 đơn vị khác lợi dụng thông tin cá nhân của anh để giao cho anh đơn hàng với đúng địa chỉ, đúng tên người nhận và cùng giá trị.

Anh N.H.T.A đã không biết việc này và tin tưởng rằng, đây là đơn hàng của mình, nên đã nhận hàng và thanh toán tiền. Khi bóc kiện hàng ra, anh N.H.T.A phát hiện đôi giày không đúng với quy cách, chất lượng mà anh đã đặt. Ngay lập tức anh N.H.T.N đã liên hệ với bên giao hàng để trả lại thì không được đồng ý, đồng thời khi liên hệ với gian hàng thì bị chặn số. Anh đã phản ánh với sàn TMĐT và kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình thì thấy đơn hàng đã bị hủy.

Một vụ việc tương tự của anh N.V.T cư trú tại Vĩnh Long. Anh N.V.T đã đặt mua hàng của 1 shop trên sàn TMĐT vào tháng 10/2020. Sau khi nhận hàng và trả tiền, Anh N.V.T phát hiện thấy sản phẩm giao không đúng với đơn hàng mà anh đã đặt.

Ngay lập tức anh đã kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình trên sàn TMĐT thì thấy đơn hàng vẫn đang trong tình trạng đóng gói, chờ chuyển đi. Như vậy, thông tin cá nhân, thông tin về đơn hàng của anh N.V.T đã bị đối tượng nào đó thu thập và sử dụng cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Một trường hợp khác là chị N.T.N, cư trú tại TP.Hồ Chí Minh đã đặt mua sản phẩm Sữa ong chúa tại 1cửa hàng trên trang Facebook trong tháng 5 vừa qua. Sau khi bóc kiện hàng và thấy sản phẩm không đúng với đơn hàng đã đặt, chị N.T.N đã liên lạc với bên giao hàng và cửa hàng bán sản phẩm trên facebook đều không được hỗ trợ giải quyết. Cửa hàng đã tìm cách thoái thác, trốn tránh trách nhiệm với NTD.

Tự bảo vệ thông tin cá nhân

Để bảo vệ quyền lợi NTD tránh việc quyền lợi NTD của mình bị xâm phạm, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo NTD không chia sẻ, tiết lộ các thông tin cá nhân, các thông tin về đơn hàng của mình cho các đối tượng không có liên quan, hoặc đối tượng có thể lợi dụng thông tin này để lừa đảo, xâm hại NTD.

Trước khi thực hiện giao dịch, NTD cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng; có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các review đánh giá về cửa hàng và sản phẩm… để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ cho quyết định đặt hàng của mình.


NTD nên lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn TMĐT có uy tín

NTD nên lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn TMĐT có uy tín, đặc biệt là các sàn TMĐT đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động. Khi mua hàng hóa cần tuân thủ các quy định kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hường dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

NTD cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD. Thông báo chi tiết hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của NTD.

NTD cũng có thể liên hệ với Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ NTD của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, đầu số 1800.6838, để được tư vấn các quy định pháp lý về bảo vệ quyền lợi NTD khi thấy quyền lợi người tiêu dùng của mình bị xâm phạm.
 

Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn

Tin cũ hơn
  • Nhập siêu tăng: Bước chạy đà cho sự phục hồi
    So với kim ngạch xuất khẩu chúng ta đã đạt được cho tới thời điểm này, nhập siêu chỉ chiếm khoảng 1%. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận, con số nhập siêu 1,47 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021
  • Hội nghị lần thứ ba, BCHTW Đảng khóa XIII thảo luận 4 nội dung quan trọng
    Sáng 5/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng đã diễn ra phiên khai mạc Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên khai mạc.
  • FTA - Động lực cho thực phẩm sạch và phát triển bền vững
    EVFTA được coi là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với mức độ cam kết sâu rộng và tiêu chuẩn cao. Để xuất khẩu sang thị trường các nước liên minh châu Âu, thực phẩm cần đảm bảo các loại tiêu chuẩn khác nhau về thực phẩm sạch, không có dư lượng thuốc trừ sâu cũng như đáp ứng các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường.
  • Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Anh
    Giá trị xuất khẩu sản phẩm điện tử của Việt Nam tăng hơn gấp đôi từ hơn 47 tỷ USD trong năm 2015 lên gần 97 tỷ USD năm 2019 và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp điện tử tăng nhanh.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.118.306